Nếu như bạn không thừa nhận con thì phải có chứng cứ mình không phải là cha đẻ của đứa bé hoặc có chứng cứ về việc con bạn là con đẻ của người khác. Nếu không muốn đứng tên trên giấy khai sinh của con, bạn phải yêu cầu tòa án xác định lại cha con.
Hỏi: Tôi lập gia đình 1993, hiện trên giấy tờ có 04 người con nhưng tôi chỉ công nhận 03 con ruột. Người con út thứ 04 sinh năm 2007 vợ tôi khẳng định do ngoại tình sinh ra, nên chúng tôi đã ly hôn năm 2013. Xin hỏi tôi phải làm gì để từ chối quyền làm cha trên giấy khai sinh với đứa con thứ 04 này? (Mỹ Lệ - Hà Nội)
Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 88 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: "1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định".
Do đó, nếu như bạn không thừa nhận con thì phải có chứng cứ mình không phải là cha đẻ của đứa bé hoặc có chứng cứ về việc con bạn là con đẻ của người khác. Nếu không muốn đứng tên trên giấy khai sinh của con, bạn phải yêu cầu tòa án xác định lại cha con.
Sau đó khi có bản án, quyết định của tòa án xác định bạn không phải là cha ruột của bé, bạn mang bản án, quyết định đó về địa phương để ghi vào Sổ hộ tịch và thực hiện việc xóa tên bạn trên Giấy khai sinh của bé.
Trình tự, thủ tục việc xóa tên cha trong giấy khai sinh. Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về trường hợp cải chính Sổ đăng ký khai sinh, giấy đăng ký khai sinh của người con như sau: "1. Căn cứ Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống. Trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 1 quyển tại ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp huyện), thì Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho ủy ban nhân dân cấp huyện để ghi tiếpviệc bổ sung. 2. Trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định tại Mục 7 Chương này".
Bạn tham khảo thêm Điều 38 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về trường hợp cải chính Sổ đăng ký khai sinh, giấy đăng ký khai sinh.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận