-->

Một số vấn đề lý luận về đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật sẽ nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch thể hiện mối quan hệ với các chủ thể trong doanh nghiệp hoặc với các chủ thể khác bên ngoài doanh nghiệp.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là quy định về người đại diện theo pháp luậtủa doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung thay đổi cơ bản so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, đồng thời là quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, mạnh hơn vào nền kinh tế quốc tế, tận dụng được các cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 gồm 10 chương 213 điều.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luậta tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Quy định này cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp không thực hiện các yêu cầu của thành viên, cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty.

Thứ nhất, quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Hoạt động của một doanh nghiệp được thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật sẽ nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch thể hiện mối quan hệ với các chủ thể trong doanh nghiệp (như với các thành viên, cổ đông góp vốn) hoặc với các chủ thể khác bên ngoài doanh nghiệp (đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước...).

Trong suốt quá trình hoạt động, từ khi thành lập đến khi giải thể hoặc tuyên bố phá sản hay sáp nhập, chia, tách, doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và nếu người đó xuất cảnh khỏi Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nhưng người ủy quyền đó vẫn chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của người được ủy quyền.

Quy định này cho thấy, vai trò và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khá lớn, họ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các hoạt động, các giao dịch của doanh nghiệp. Chính vì tầm quan trọng như vậy, mà Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đều dành một chương riêng quy định về đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự, đặc biệt là đại diện của pháp nhân. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại Điều 13 và Điều 14.

Có thể thấy rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi khá quan trọng về người đại diện theo pháp luật. Cụ thể là quy định cho phép doanh nghiệp tự quyết định về số lượng, chức danh, thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật; đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 lần đầu tiên trao quyền lựa chọn số lượng người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật.
Vì quy chế về người đại diện theo pháp luật có mối liên hệ trực tiếp với quyền tự chủ của doanh nghiệp trong chủ động lựa chọn địa bàn, hình thức kinh doanh, mở rộng quy mô kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường và khách hàng, mà muốn thực hiện được những quyền này, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn, thì cần phải có nhiều người đại diện cho doanh nghiệp đó trong giao kết và thực hiện các giao dịch với chủ thể khác. Điểm sửa đổi này có ý nghĩa rất to lớn, đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp suốt một thời gian dài.

Thứ hai, “giảm tải” trách nhiệm lên một người đại diện theo pháp luật.

Có thể thấy rằng mọi giao dịch đối ngoại, đối nội của doanh nghiệp đều chỉ có thể thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Thực tế đòi hỏi, người đại diện theo pháp luật phải có rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế mới có thể điều hành doanh nghiệp một cách trơn chu, chuẩn mực. Người đại diện theo pháp luật phải biết về quản lý kinh doanh, quản lý nhân sự, quản lý thuế, hợp đồng... Nếu không biết, họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với toàn bộ các giao dịch với tư cách là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Như vậy, vô hình chung, việc trao cho một cá nhân quá nhiều quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là nghĩa vụ sẽ gây khó khăn cho người đó trong việc thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình. Mặc dù, pháp luật cũng có những chế định cho phép người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho một cá nhân khác, nhưng thực tế áp dụng cho thấy quy định này còn nhiều hạn chế. Như trường hợp người đại diện theo pháp luật vắng mặt, doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết công việc khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật cho một người khác trong doanh nghiệp, nhưng về nguyên tắc người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm trước công ty, trước pháp luật và bên thứ ba về tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền của mình.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp lớn, khi có rất nhiều các hợp đồng lớn phải ký kết, các dự án lớn để đầu tư, số lượng người lao động thật lớn để triển khai thực hiện công việc, thì việc người đại diện có thể cho những công việc của những người đã nhận ủy quyền thay mặt họ để giao dịch trong thời gian họ vắng mặt là một điều khó khả thi. Các quy định của pháp luật cũng có những hạn chế nhất định đối với người được ủy quyền như chỉ cho phép người này được ủy quyền lại cho người thứ ba nếu được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Điều này đã gây ra những vướng mắc không nhỏ cho doanh nghiệp nếu người được nhận ủy quyền gặp sự cố bất khả kháng không thể tiếp tục thực hiện công việc được ủy quyền, đặc biệt, trong trường hợp người được ủy quyền này nhận ủy quyền ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác. Thực tiễn xét xử tranh chấp kinh tế cho thấy, rất nhiều vụ án doanh nghiệp đã phải thua kiện, vì hợp đồng bị tuyên vô hiệu do doanh nghiệp một phần không nắm vững các quy định của pháp luật, người nhận ủy quyền tự ý ủy quyền lại khi chưa có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Nhưng nó cũng đặt ra một “bài toán” pháp lý cho các nhà làm luật giải quyết tình trạng trên để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thông suốt.

Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Trong khoảng thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý thay đổi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì vị trí người đại diện theo pháp luật gần như bị trống, bởi lẽ, lúc này người mới được bổ nhiệm nhưng chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bên thứ ba tiến hành giao dịch sẽ gặp khó khăn trong xác định ai là người đại diện theo pháp luật thật sự. Hoặc trường hợp người đại diện theo pháp luật có vấn đề về sức khỏe hoặc bị tạm giam, tạm giữ, thì doanh nghiệp cũng phải mất một khoảng thời gian lúng túng để xác định người thay thế, chưa kể đến quá trình chọn ra người thay thế trong những thời điểm nhạy cảm của một doanh nghiệp chưa hẳn sẽ diễn ra suôn sẻ và nhận được sự hợp tác của những người khác.

Thứ tư, quy định cho phép doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật cũng giải quyết được các hạn chế trong giao dịch của doanh nghiệp với người đại diện, giảm thiểu được các khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật đi nước ngoài dưới 30 ngày nhưng không muốn ủy quyền cho người khác hoặc người đại diện theo pháp luật xung đột với hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và không hợp tác trong việc ký kết các văn bản, giao dịch của công ty, đồng thời không muốn ủy quyền cho người khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý về người đại diện theo pháp luật cần được xác định rõ như: Cơ chế giám sát lẫn nhau giữa những người đại diện theo pháp luật; sự phân định về trách nhiệm liên đới hay riêng lẻ của các đại diện theo pháp luật và phạm vi đại diện của các đại diện theo pháp luật trong việc xác lập giao dịch nhân danh doanh nghiệp. Có những trường hợp đặt ra trong thực tiễn cần được làm rõ như xác định giao dịch đòi hỏi phải được sự chấp thuận của tất cả các đại diện theo pháp luật hay hiệu lực của hợp đồng đã được doanh nghiệp ký kết với đối tác và đang thực hiện nhưng xảy ra trường hợp một đại diện theo pháp luật khác phản đối hay không đồng ý một phần của hợp đồng này. Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng điều lệ công ty cũng cần chặt chẽ hơn để tránh chồng chéo về thẩm quyền của mỗi người và tăng cường hiệu quả quản lý trong nội bộ doanh nghiệp.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]