-->

Lương thấp khi ly hôn có giành được quyền nuôi con không?

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.

Hỏi: Tôi và chồng tôi đã kết hôn được 04 năm và hiện đã có 01 đứa con hơn 03 tuổi và hiện tại tôi đang có thai hơn 03 tháng. Về bản thân tôi, làm trong nhà nước, là cán bộ trẻ nên lương cũng thấp (chỉ 3.000.000đồng/tháng). Chồng tôi làm ra tiền nhưng lại không có việc làm ổn định. Nguồn tiền chồng tôi làm ra là do vay lãi suất cao, chơi lô đề, cờ bạc. Đó là việc làm phi pháp. Cũng chính vì điều đó mối quan hệ giữa hai vợ chồng tôi mới đi đến đổ vỡ. Tôi đã nhiều lần khuyên nhủ chồng nhưng không được, đã thế mỗi lần tôi có ý kiến là bố mẹ chồng tôi bênh vực chồng tôi và còn sừng sổ giành giật con với tôi. Ông bà bảo rằng nó là cháu của ông bà thì phải ở với ông bà. Tôi đã có lần nói với ông bà rằng bố mẹ có quyền yêu thương, chăm sóc và gặp gỡ cháu nhưng không có quyền tranh giành đứa bé với con. Nhưng ông bà vẫn nhất quyết giằng con tôi ngay trên tay tôi. Tôi không có nhà riêng. Hiện tại ngôi nhà vợ chồng tôi chung sống cùng với bố mẹ chồng dù là do vợ chồng tôi bỏ ra xây dựng nhưng trên giấy tờ lại đứng tên bố mẹ chồng tôi. Tôi cũng không có ý định tranh chấp gì về tài sản nhưng tôi muốn giành quyền nuôi con. Bởi vì, vợ chồng tôi mới có quyền bảo hộ bé. Chồng tôi dù kiếm ra nhiều tiền nhưng không có công việc ổn định, đi ngày đi đêm không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng và giáo dục con tôi trưởng thành. Nhưng tôi yếu thế hơn về khả năng tài chính, chỗ ở cho con. Nếu ly hôn tôi chỉ có thể ở tạm tại khu tập thể của cơ quan thôi. Nhờ Luật sư tư vấn, tình trạng của tôi như vậy tôi có thể giành được quyền nuôi con hay không? (Thu Hà - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Bảo Ngọc - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hônnhư sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Khi ly hôn vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của các bên đối với con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi mọi mặt cho con. Xác định dựa trên các căn cứ sau:
  • Yếu tố vật chất: bao gồm khả năng kinh tế, điều kiện chỗ ở, sinh hoạt… của cha, mẹ.
  • Yếu tố tinh thần: bao gồm thời gian chăm sóc, đời sống tinh thần mà cha mẹ dành cho con.
  • Nguyện vọng của con (chỉ áp dụng đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên).

Ngoài ra, Tòa án có thể căn cứ vào các yếu tố như nghề nghiệp, thời gian quan tâm chăm sóc của cha, mẹ đối với con.

Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố trên để xác định người trực tiếp nuôi con khi ly hôn. Trong trường hợp này, để giành được quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh trước Tòa án về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con của bạn tốt hơn chồng bạn. Tuy rằng, thu nhập của chồng bạn cao hơn của bạn nhưng thu nhập đó lại được tạo ra từ những nguồn thu nhập bất chính: vay lãi suất cao, lô đề, cờ bạc. Việc giao con cho chồng bạn nuôi dưỡng có thể ảnh hưởng xấu đến nhân cách, sự phát triển của cháu.

Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Bạn đang mang thai con hơn 3 tháng nên chồng bạn sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn. Quyền ly hôn của chồng bạn trong trường hợp này bị hạn chế để đảm bảo quyền và lợi ích của bà mẹ và trẻ em. Còn về phía bạn, bạn vẫn có quyền yêu cầu ly hôn, nếu có căn cứ dẫn đến tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài thì bạn và chồng có thể thỏa thuận ly hôn hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án tiến hành giải quyết ly hôn cho bạn.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.