Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Hỏi: Gia đình tôi có mua một mảnh đất rộng 500m2,trong đó đất ở là 300m2 còn lại là đất vườn đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.Từ đó đến nay gia đình tôi sử dụng ổn định không xảy ra tranh chấpgì. Hiện nay,gia đình tôi tiến hành xây dựng tường rào phần đất tiếp giáp với đất của gia đình ông A. Trước giờ ranh giới hai thửa đất là hàng rào cây sống. Tuy nhiên gia đình ông A vô cớ nói rằng gia đình tôi lấn chiếm đất, không cho nhà tôi tiến hành xây dựng và chặt phá hàng rào cây sống ranh giới giữa hai thửa đất và tiến hàng rào mới lấn vào phần đất nhà tôi 40m2. Sự việc trên đã được gia đình tôi làm đơn báo cáo chính quyền xã yêu cầu giải quyết và kết quả trong biên bản giải quyết là hàng rào gia đình ông A rào hiện nay là lấn chiếm vào gia đình tôi 2m.Vụ việc trên đã đươc 2 tháng từ khi chính quyền xã lập biên bản, Tuy nhiên chính quyền xã không yêu cầu gia đình ông A tháo gỡ hàng rào trả lại phần đất cho gia đình tôi. Hiện nay gia đình tôi bế tắc không biết phải làm sao nên gia đình tôi muốn khởi kiện ra toà thì thủ tục như thế nào? (Viết Kiên- Nha Trang)
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
Điều 12 Luật đất đai 2013 quy định về Những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
……………………………………………
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”
Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
………………………………………….”
Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi xảy ra tranh chấp, gia đình bạn đã trình báo lên Ủy ban nhân dân cấp xã và đã có biên bản giải quyết với kết quả là gia đình ông A đã lấn sang phần đất nhà bạn là 2m2 nhưng không yêu cầu gia đình ông A trả lại phần đất lấn chiếm. Và bạn cũng không nói rõ là trong biên bản đó gia đình ông A có phải đền bù bằng tiền cho gia đình bạn không.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì khi tranh chấp giữa gia đình bạn và gia đình ông A đã được hòa giải nhưng không thành thì bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
+ Đơn khởi kiện.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Văn bản giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Các chứng cứ chứng minh khác liên quan đến việc gia đình ông A lấn chiếm đất.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận