Di chúc hợp pháp là di chúc được lập theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Năm nay con vừa tròn 18 tuổi hiện đang học 12 thì có 1 số biến cố xảy ra với gia đình con về chuyện đất đai ạ. Ông nội con có 8 thửa ruộng và có 6 người con, và cha con là con trai út ở chung với ông bà nội từ nhỏ tới giờ, lúc ông nội còn sống thì có hứa cho con gái út (tức là em gái của ba con) lỡ mà lấy chồng nghèo khổ thì cho út 1 thửa đất để bán lấy tiền mà làm ăn sinh sống.Ông nội chỉ hứa thôi chứ không có giấy tờ gì hết ạ và út đã lấy chồng làm nghề kinh doanh rất giàu có. Ông nội con mất nay cũng tròn 5 năm rồi thì cách đây 2 tháng út vô bảo với ba con là phải chia cho út phần đất như lời ông nội hứa và nói là ba con sẽ không nhận được tiền bồi thường cho phần công sức 18 năm qua một mình ba con cải tạo từ đất ruộng trồng lúa thành đất vuờn trồng sầu riêng và vú sữa đã ăn quả là đúng hay sai pháp luật ạ? Ba con là con trai út nên phụng dưỡng ông nội đến hết đời và phải chăm sóc bà nội bi bệnh tai biến cách đây đã 3 năm .Vậy nên xin hỏi luật sư bà nội và ba con không tặng 1 thửa đất cho út thì út có thể lấy được như lời ông nội hứa không ạ? Và nếu lỡ như nội với ba có nghĩ chút tình cảm mẹ con, anh em , mà đem 1 thửa đất đó cho , tặng út .thì út phải có trách nhiệm và nghĩa vụ là chi trả tiền công cho thửa ruộng mà ba con cải tạo 18 năm qua là đúng hay sai ạ? Theo con suy nghĩ là út con đã vi phạm pháp luật về tội xâm phạm quyền sử dụng đất của chủ sở hữu mà không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh thửa đất đó là của út phải không Luật sư? Theo như tình huống con nêu ra như trên thì ai vi phạm pháp luật? Và công văn nghị định cũng như mức phạt dành cho người vi phạm pháp luật sẽ như thế nào? (Tố Nga - Nam Định)
Thứ nhất, về tính hợp pháp của di chúc: Do ông bạn không để lại di chúc bằng văn bản mà chỉ nói miệng với mọi người về việc sẽ chia tài sảnthế nào, lời nói miệng này sẽ được coi là di chúc hợp pháp khi đáp ứng được các yêu cầu được quy định tại khoản 5 Điều 625 bộ luật dân sự năm 2005:
"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.(…)
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực."
Theo thông tin mà bạn cung cấp ông bạn mới chỉ nói ra ý định là sẽ chia cho con gái út một mảnh ruộng khi con lấy chồng nghèo khó chứ không hề có người làm chứng chính thức và không được ghi chép lại, kí tên và làm các thủ tục công chứng. Theo đó lời nói miệng này của ông bạn không được coi là di chúc hợp pháp và mọi người không bắt buộc phải làm theo. Do đó mà gia đình bạn không bắt buộc phải chiacho cô út mảnh đất nào. Tuy nhiên, gia đình bạn cũng có thể thỏa thuận phương án chia di sản dựa trên sự đồng ý của mọi người; nếu không thỏa thuận được thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật.
Thứ hai, phân chia di sản thừa kế theo pháp luật
"Điều 676.Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Do di chúc ông bạn để lại không được coi là di chúc hợp pháp nên di sản của ông để lại sẽ được chia theo pháp luật. Như vậy với gia đình bạn hàng thừa kế thứ nhất sẽ là bà nội, sáu anh chị em của bố bạn; bố mẹ đẻ của ông bạn (nếu còn). Đối với hàng thừa kế thứ nhất này sẽ được phân chia hưởng di sản bằng nhau tức là sẽ chia đều cho mỗi người một phần bằng nhau.
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận