-->

Làm sao để giành quyền nuôi hai con khi chồng vũ phu

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Hỏi: Chúng tôi lấy nhau 2009 và có 2 đứa bé, 1 bé trai 4 tuổi và 1 bé gái 19 tháng tuổi. Sau khi lấy nhau vợ chồng tôi ở nhà bố mẹ đẻ tôi. Bố mẹ tôi còn trẻ nên không phụ thuộc kinh tế vợ chồng tôi mà ngược lại còn chăm lo cho gia đình tôi nữa. Nhưng chồng tôi không lấy đó là ơn mà còn hay lấy con ra để chửi cạnh khóe mẹ tôi. Hai con tôi đều 1 tay mẹ tôi chăm sóc. Chồng tôi còn tuyên bố với tôi là "không tôn trọng mẹ tôi mà là rất coi thường" trong khi đó mẹ tôi không làm gì anh ấy cả, mỗi lần con tôi hư mẹ tôi có mắng cháu thì chồng tôi để ý và chạy ra đánh mắng chửi con nhưng không khác nào chửi mẹ tôi. Đặc biệt là hay đánh con tôi vô cớ, lúc thì dập đầu vào tường, lúc thì tát vào mặt như kẻ thù. Khi con tôi mới được 7-8 tháng con quấy khóc anh ấy bế đặt ra ngoài sân giữa trời mưa gió. Tối qua khi con đòi đi vệ sinh vì tôi đang rửa bát bẩn nên bảo con đi ra nhờ bố (anh đang ngồi xem ti vi và chơi game) nhưng mãi không cho con đi cho tới khi tôi gọi ra thì anh mới cho con đi và kéo con vào WC rồi chúi đầu con xuống bồn cầu liên tục và chửi với rồi con chết đi trong khi con tôi chưa tròn 4 tuổi. Tôi không thể sống với 1 người mà bất hiếu với bố mẹ mình được và chửi đánh đập con như vậy được, tuy chưa bao giờ để lại thương tích cho con nặng nhưng cũng làm ảnh hưởng tới sự phát triển của con tôi. Đề nghị Luật sư tư vấn, khi ly hôn tôi làm thế nào để tòa cho tôi được nuôi 2 con. (Khánh Vân)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Phương Thảo - Tổ tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, quyền đơn phương ly hôn của vợ hoặc chồng: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Căn cứ Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
"1.Khi vợ chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân làm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."
Theo như thông tin anh (chị) cung cấp thì chồng anh (chị) có hành vi bạo lực gia đình cụ thể là vi phạm quyền chăm sóc và nuôi dưỡng đối với con cái, ảnh hưởng đến tình trạng hôn nhân không thể tiếp tục chung sống, tình trạng hôn nhân trầm trọng. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 anh (chị) có thể gửi đơn lên Tòa án cấp huyện nơi anh (chị) cư trú yêu cầu ly hôn

Thứ hai, quyền nuôi con sau khi ly hôn: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
" 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".
Trường hợp của anh (chị) con gái anh (chị) là 19 tháng tuổi ( độ tuổi dưới 36 tháng tuổi ), theo quy định của pháp luật anh (chị) được quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn trừ trường hợp anh (chị) không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng con của anh (chị). Tuy nhiên, anh (chị) chia sẻ ở trên là có thu nhập cá nhân và sau ly hôn được sự hỗ trợ từ phía bố mẹ thì anh (chị) hoàn toàn có đủ điều kiện có thể có quyền ưu tiên nhận nuôi con gái.

Nghĩa vụ cấp dưỡng
Điều 82 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó".
Theo quy định nêu trên, chồng anh (chị) không phải là người trực tiếp nuôi con nên chồng anh (chị) có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huốnglà cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.