-->

Không đăng ký kết hôn có được hưởng di sản thừa kế của chồng?

Tuy anh chị đã sống chung với nhau như vợ chồng kể từ năm 1990 đến nay nhưng sau ngày 01/01/2003 anh chị vẫn không đăng kí kết hôn nên anh chị sẽ không được công nhận là vợ chồng. Khi “chồng” chị qua đời và không có di chúc, chị sẽ không được hưởng thừa kế của anh ấy

Hỏi: Chúng tôi đều là những người dở dang trong hôn nhân: anh ấy ly dị vợ, còn tôi chồng mất, đã tự nguyện chung sống như vợ chồng từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, do luống tuổi, một phần vì ngại nên không đi đăng ký kết hôn, cũng không có bất cứ nghi thức cưới xin nào.Vừa rồi chồng tôi chẳng may qua đời (mất đột ngột nên cũng không lập di chúc), vậy tôi có được hưởng di sản thừa kế của chồng tôi theo quy định của pháp luật không? (Hương Thúy - Hà Đông)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo Mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ10 về thi hành Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:

"a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;

b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết".

Và Khoản 3 Điều17 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật, cụ thể là:"Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con".

Như vậy, tuy anh chị đã sống chung với nhau như vợ chồng kể từ năm 1990 đến nay nhưng sau ngày 01/01/2003 anh chị vẫn không đăng kí kết hôn nên anh chị sẽ không được công nhận là vợ chồng. Khi “chồng” chị qua đời và không có di chúc, chị sẽ không được hưởng thừa kế của anh ấy. Đối với tài sản khi sống chung như vợ chồng thì tài sản riêng của ai vẫn của người đó, tài sản chung được tạo lập trong quá trình sống chung sẽ được chia theo nguyên tắc phân chia tài sản chung, tức là phân chia theo thỏa thuận của 2 bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên do “chồng” chị đã mất nên không thể thỏa thuận được, vì vậy chị có quyền yêu cầu Tòa án phân chia số tài sản chung này.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.