Khi nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng thử việc?

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Hỏi: Tôi có tham gia thử việc tại một công ty tư nhân, có ký hợp đồng thử việc. Nhưng sau hơn một tháng làm việc tại công ty thì thấy môi trường làm việc không hợp, nên tôi quyết định nghỉ. Trước khi nghỉ tôi có gọi điện thoại cho Chủ công ty là xin nghỉ trước 2 ngày , Sau đó tôi bàn giao lại hồ sơ cho nhân viên đang làm tại công ty rồi nghỉ việc. Tuy nhiên Chủ công ty không đồng ý để tôi bàn giao lại hồ sơ cho người khác và bắt buộc tôi lên giao nhận hồ sơ, lúc đó thì tôi đã về quê nên không thể giao được. Liên tục sau đó mấy ngày chủ công ty gọi điện cho tôi bảo " Xử lý theo pháp luật". Vậy mong Luật sư tư vấn cho tôi về vấn đề này? (Đặng Thu Thủy - Bắc Ninh)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 về kết thúc thời gian thử việc thì: “Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc: 1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. 2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận”.

Như vậy, anh có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử này không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp của anh lại không nhắc tới việc làm thử này có đạt yêu cầu hay không; cho nên trường hợp của anh sẽ không thuộc sự điều chỉnh của quy định này mà sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa anh với bên công ty. Vậy nên, lúc anh xin nghỉ việc anh cần xem xét về ý kiến của Chủ công ty tại thời điểm anh xin nghỉ; bởi lẽ lúc đó nếu như Chủ công ty này đã đồng ý thỏa thuận về việc cho anh nghỉ việc thì anh sẽ không bị xử lý theo pháp luật. Còn nếu như tại thời điểm đó họ vẫn chưa đồng ý cho anh nghỉ việc thì lúc này anh vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu của phía Chủ công ty.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.