Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung.
Hỏi: Ông bà ngoại tôi sinh 4 người con gái, mẹ tôi là con gái út, từ nhỏ sống chung với ông bà ngoại. Đến khi lập gia đình vẫn sống chung với ông bà ngoại. Trong thời gian này, các chị của mẹ lần lượt lập gia đình và theo về sống bên chồng. Từ đây chỉ còn lại mẹ tôi nuôi dưỡng cũng như chăm sóc ông bà ngoại lúc ốm đau. Bốn năm sau, khi ông bà ngoại qua đời mẹ tôi có xây dựng căn nhà tường thay thế cho căn nhà gỗ đã xuống cấp không sử dụng được nữa, đồng thời lo liệu công việc thờ cúng ông bà cố và ông bà ngoại đến nay đã được 18 năm. Xin hỏi luật sự: Trường hợp ông bà ngoại không lập di chúc thì mẹ tôi có được sở hữu quyền thừa kế đất hay không; Nếu không thì đất được chia như thế nào? Nếu chia đất thì xem như phải phá bỏ căn nhà, như vậy thì mẹ tôi có được định giá trị căn nhà hay không? (Thu Hà - Lâm Đồng)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Do ông bà bạn chết không để lại di chúc, theo đó di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.
Theo đó, phần di sản thừa kế là thửa đất trên sẽ được chia thành 4 phần bằng nhau cho các đồng thừa kế.
Về ngôi nhà mà mẹ bạn xây dựng trên phần đất của ông bà bạn sau khi ông bà bạn mất, vì mẹ bạn cũng được hưởng 1/4 diện tích đất trong thửa đất thuộc di sản thừa kế mà ông bà bạn để lại, do vậy, nếu ngôi nhà xây dựng vượt quá diện tích mà mẹ bạn được chia thì mẹ bạn phải thanh toán phần giá trị quyền sử dụng đất mà người đồng thừa kế khác được hưởng khi chia thừa kế theo pháp luật.
Tuy nhiên thời hiệu khởi kiện về thừa kế chỉ có 10 năm, trường hợp này đã hết thời hiệu khởi kiện do vậy sẽ áp dụng quy định tại tiểu mục 2.4 chương I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP để giải quyết. Cụ thể, các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
Điều 224 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về việc chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung như sau:
"1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.
2. Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Theo đó, trường hợp không thỏa thuận được về việc phân chia tài sản, mẹ bạn có thể thanh toán bằng tiền tương ứng với phần giá trị mà những người sở hữu chung được hưởng.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận