-->

Giám đốc không thỏa thuận thử việc và không trả lương thử việc, có phạm luật không?

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Hỏi: Em từng làm việc ở công ty TNHH DV Tàu biển Bình Minh từ 12/8 đến 1/9/2015. Khi phỏng vấn xin việc giám đốc ko phổ biến những yêu cầu về thời gian thử việc và ko ký hợp đồng, chỉ nói ngày mai em có thể bắt đầu làm việc. Em làm việc đến ngày 1/9 thì xin nghỉ việc do cảm thấy công việc ko phù hợp với bản thân. Em lên báo với giám đốc thì giám đốc nói em có thể nghỉ từ ngày mai còn tiền lương thì bàn với phòng kế toán sau. Công ty lãnh lương vào ngày 10 nên buổi sáng em nhắn tin tới hỏi giám đốc khi nào em có thể lên lãnh lương sau khi đã trừ đi phần tạm ứng bắt buộc. Nhưng giám đốc lại nói " Em trong quá trình đào tạo và chưa hết thời gian thử việc thấy làm ko hợp nên tự em xin nghỉ nên cty chỉ hỗ trợ xăng xe mà em đã lĩnh. Anh đã thỏa thuận với em từ đầu là cty chỉ phát lương với điều kiện là em phải làm việc. Tập sự 2 tuần xin nghỉ thì ko đc em à". Em muốn đính chính lại là giám đốc ko hề thỏa thuận bất cứ điều gì với em khi phỏng vấn lúc đầu. Thêm nữa lúc em xin nghỉ việc giám đốc cũng ko nói trường hợp của em ko đc lãnh lương hay gì hết. Vậy mà giờ khi sắp lãnh lương giám đốc lại nói với em như vậy. Em cảm thấy rất bức xúc và trình bày với giám đốc nhưng ổng nói ko đc nên em chỉ có thể xin tư vấn của luật sư để giải quyết theo đúng luật lao động. Xin luật sư cho em lời khuyên hợp lý cho trường hợp này? (Bùi Ánh Thương - Thái Nguyên)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Do không có thỏa thuận gì về vấn đề thử việc nên rất khó để xác định quyền lợi của anh (chị). Tuy nhiên, có thể căn cứ vào nội quy lao động của công ty để xem xét mình có rơi vào trường hợp phải thử việc hay không? Những người lao động làm công việc như anh (chị) có phải thử việc không? Nếu như công việc của anh (chị) không rơi vào trường hợp phải thử việc thì việc anh (chị) tham gia buổi phỏng vấn, thỏa thuận về công việc cũng được coi là đã giao kết hợp đồng lao động. Nếu trong nội quy lao động của công ty không quy định cụ thể về thời gian thử việc đối với công việc của anh (chị) và không có căn cứ chứng minh về việc anh (chị) đã ký hợp đồng lao động với bên công ty thì anh (chị) đành phải chấp nhận coi thời gian làm việc đầu tiên của anh (chị) là thời gian thử việc và thời gian thử việc được tính theo quy định tại Điều 27, Bộ Luật Lao động năm 2012: “Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây: 1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; 2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. 3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác”.

Như vậy, tùy vào đòi hỏi trình độ công việc anh (chị) làm mà thời gian thử việc là khác nhau. Anh (chị) nên căn cứ vào điều Khoản này để xác định cụ thể thời gian thử việc tối đa đối với công việc của mình.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.