-->

Đòi lại quyền sử dụng đất khi người khác sử dụng trái phép

Trong trường hợp mảnh đất thuộc quyền sử dụng của ba bạn thì ba bạn có thể yêu cầu chú bạn trả lại mảnh đất đó. Trường hợp chú bạn không đồng ý thì ba bạn có thể làm thủ tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có mảnh đất đó để được giải quyết.

Hỏi:Ba tôi có một mảnh đất ở quê do ông nội để lại. Ba tôi làm trên mảnh đất đó được vài năm thì do hoàn cảnh nên phải chuyển đi nơi khác lập nghiệp. Ba tôi nhờ bác ruột tôi giữ hộ mảnh đất đó sau này sẽ quay về lấy lại và sinh sống trên mảnh đất đó. Nhưng khi ba tôi chuyển đi thì bác tôi đem mảnh đất đó cho chú họ của tôi mà không hề có sự đồng ý của ba tôi và cũng không cho ba tôi biết. Bây giờ ba tôi về lại đó mới biết được sự việc trên. Ba tôi muốn lấy lại mảnh đất nhưng chú tôi không chịu trả. Do đất được khai hoang từ thời ông cố và ba tôi chuyển đi mấy năm nay nên hiện giờ ba tôi chưa có sổ đỏ đứng tên mảnh đất và chú của tôi đã trồng cây lâu năm trên mảnh đất đó.Vậy tôi muốn hỏi luật pháp xử lí vụ này như thế nào? Ba tôi có thể lấy lại mảnh đất đó không và nếu lấy lại được thì ba tôi có cần phải bồi thường cây lâu năm cho chú tôi không?

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về quyền sử dụng đất của ba bạn.

Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất ở quê là do ông nội bạn để lại, tuy nhiên bạn không nói rõ là ông nội của bạn có để lại cho riêng ba bạn hay không, có giấy tờ gì chứng minh hay không, và việc để lại là vào thời điểm nào. Vậy:

Trường hợp ông bạn tặng cho riêng ba bạn khi ông còn sống và việc tặng cho này được thực hiện đúng theo quy định pháp luật đất đai (có hiệu lực ở thời điểm đó) thì ba bạn có quyền sử dụng đất đối với mảnh đất.

Trường hợp ông bạn để lại mảnh đất cho ba bạn có di chúc và di chúc này được công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có đất thì ba bạn có quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này.

Các trường hợp khác như: việc tặng cho không tuân theo quy định pháp luật, hoặc để lại thừa kế nhưng không có di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp thì mảnh đất đó là di sản thừa kế và được phân chia cho những người thừa kế theo pháp luật của ông nội bạn, bao gồm cả: bác ruột và chú ruột của bạn.

Thứ hai, về việc đòi lại quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp mảnh đất thuộc quyền sử dụng của ba bạn thì ba bạn có thể yêu cầu chú bạn trả lại mảnh đất đó. Trường hợp chú bạn không đồng ý thì ba bạn có thể làm thủ tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có mảnh đất đó để được giải quyết.

Trường hợp không có căn cứ chứng minh mảnh đất thuộc sử dụng của bố bạn thì mảnh đất được xác định là di sản thừa kế do ông nội bạn để lại. Theo đó tất cả những người thừa kế của ông bạn được thừa kế đối với mảnh đất này. Bố bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nơi cư trú của một trong những người thừa kế yêu cầu phân chia di sản thừa kế nếu còn thời hiệu về thừa kế. Việc xác định thời hiệu thừa kế phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế (tức là thời điểm ông nội bạn mất). Theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NĐ-CP:

- Nếu thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".

- Nếu thừa kế mở từ ngày 1/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự năm 1995.

- Nếu thừa kế mở từ ngày 1/1/2006 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều của Bộ luật dân sự năm 2005.

Trường hợp không còn thời hiệu thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế thì di sản thừa kế trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Ba bạn có thể yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung.

Thứ ba, đối với số cây trồng lâu năm do chú bạn trồng.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 cụ thể là điều 603 quy định về nghĩa vụ thanh toán thì:

"Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người bị thiệt hại được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán những chi phí cần thiết mà người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản."​

Chú bạn trồng cây trên mảnh đất khi chưa có sự đồng ý của ba bạn:​

Trường hợp mảnh đất thuộc quyền sử dụng của bố bạn thì khi đòi lại đất bố bạn không phải bồi thường số cây đó.

Trường hợp mảnh đất thuộc di sản thừa kế do ông nội để lại thì tất cả những người thừa kế của ông bạn đều có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó. Sau khi Tòa án phân chia mảnh đất thì số cây mà chú bạn trồng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của chú thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người chú, còn đối với số cây trồng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của những người thừa kế khác thì không được bồi thường.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.