-->

Định giá tài sản góp vốn trong doanh nghiệp

Tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam.

Vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng và nắm vai trò quyết định đến sự sống còn của công ty. Thông thường, đối với các công ty việc góp vốn ban đầu của các thành viên là nguồn vốn chủ yếu nhất để thành lập công ty. Do vậy, việc định đúng giá trị tài sản vốn góp là một trong những yêu cầu đặt ra hàng đầu để đảm bảo cho nguồn vốn công ty.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo đó, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam đã quy định khá chi tiết về vấn đề định giá tài sản. Xung quanh chế định định giá tài sản góp vốn có những vấn đề pháp lý như sau:

Thứ nhất, về tài sản định giá

Việc xác định đúng giá trị tài sản vốn góp là một trong những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo nguồn vốn thực cho công ty khi góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.

Kế thừa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các loại tài sản khi góp vốn vào doanh nghiệp phải được định giá như sau: “Tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam”.

Tuy nhiên, quy định này đang có hai cách hiểu khác nhau về việc tài sản nào phải được định giá khi góp vốn vào doanh nghiệp. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam, không phải là ngoại tệ tự do chuyển đổi, không phải vàng phải được định giá, cụm từ “không phải” được hiểu chung cho ba loại tài sản là “đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng”; hay nói cách khác, các loại tài sản góp vốn quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều phải định giá ngoại trừ đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng.

Quan điểm thứ hai lại có cách nhìn nhận quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 dưới góc độ hoàn toàn khác, theo đó ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các loại tài sản góp vốn khác không phải là đồng Việt Nam phải được định giá.

Có nhiều cách lý giải bảo vệ cho quan điểm này như sau:

(i) Xét về yếu tố cấu thành thì quy phạm pháp luật tại khoản 1 Điều 37 gồm hai bộ phận là giả định và quy định. Tương ứng với bộ phận quy định “phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam” là bộ phận giả định gồm ba đối tượng lần lượt là “tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam”, “ngoại tệ tự do chuyển đổi”, “vàng”. Mỗi đối tượng trong bộ phận giả định đứng độc lập và đều chịu sự điều chỉnh của bộ phận quy định phía sau.

(ii) Xét về việc xác định giá trị cụ thể của một loại tài sản đưa vào góp vốn thì ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng cần phải được quy đổi. Khác với đồng Việt Nam mang tính xác định, giá trị của ngoại tệ căn cứ dựa trên tỷ giá hối đoái, khi giao dịch trên thị trường cả ngoại tệ và vàng đều có giá bán và giá mua tùy theo từng thời điểm cụ thể hay nói cách khác giá trị của hai loại tài sản này không có mức cố định cụ thể. Điều này dẫn đến trường hợp khi góp vốn bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hay vàng, các thành viên hoặc cổ đông công ty cần có sự thỏa thuận và thống nhất chung về giá trị tài sản góp vốn theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và buộc phải thể hiện dưới dạng giá trị xác định là đồng Việt Nam.

(iii) Các tài liệu, văn bản của doanh nghiệp như Điều lệ, sổ kế toán đều phải ghi nhận giá trị tài sản dưới dạng đồng Việt Nam (Điều 10 Luật Kế toán năm 2015) hay các giấy tờ chứng minh giá trị sở hữu vốn góp/cổ phần của thành viên/cổ đông tại doanh nghiệp như sổ đăng ký thành viên/cổ đông cũng phải thực hiện tương tự.

Qua phân tích trên có thể thấy, đồng Việt Nam được ghi nhận là đơn vị quy đổi duy nhất để xác định giá của các loại tài sản góp vốn khác và mọi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp đều phải định giá ngoại trừ đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo yêu cầu quy phạm pháp luật phải đơn nghĩa, dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế và hạn chế tình trạng quy định pháp luật có yếu tố đa nghĩa, dễ gây nhầm lẫn thì quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thể sửa đổi như sau:

“Ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản góp vốn khác không phải là đồng Việt Nam phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam” hoặc “tài sản góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật này, trừ đồng Việt Nam, phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam”.

Thứ hai, thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản định giá

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản định giá chia làm hai trường hợp là định giá tài sản khi thành lập doanh nghiệp và định giá tài sản khi doanh nghiệp đang hoạt động.

Nếu như thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp định giá tài sản khi góp vốn thành lập (khoản 2 Điều 37) được quy định khá cụ thể là các thành viên, cổ đông sáng lập thì thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp định giá tài sản khi doanh nghiệp đang hoạt động (khoản 3 Điều 37) chưa được quy định rõ ràng: “Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận”. Câu hỏi đặt ra ở đây là chủ thể nào trong doanh nghiệp có thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản góp vốn khi tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp đứng ra định giá?

Nếu doanh nghiệp không yêu cầu tổ chức thẩm định giá thì việc định giá sẽ dựa trên thỏa thuận giữa người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần. Tương tự, dựa theo nguyên tắc suy đoán thì thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản mà tổ chức định giá đưa ra sẽ thuộc về người góp vốn và các chủ thể nêu trên. Quan điểm suy đoán là phù hợp vì trách nhiệm liên đới nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn cũng đặt ra đối với chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.

Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng, cần phải đặt ra trách nhiệm của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp trong trường hợp tổ chức này định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định trách nhiệm liên đới góp thêm khoản chênh lệch đối với thành viên, cổ đông sáng lập (góp vốn khi thành lập) và người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị (góp vốn khi doanh nghiệp đang hoạt động). Như vậy, việc đặt trách nhiệm đối với tổ chức thẩm định giá trong trường hợp này là không cần thiết, tổ chức thẩm định giá chỉ đưa ra giá trị tài sản định giá còn việc chấp thuận hay không là thuộc về người góp vốn, chủ thể có thẩm quyền quyết định trong công ty.

Nếu không đồng ý thì tổ chức thẩm định giá sẽ phải định giá lại tài sản hoặc chịu trách nhiệm dựa trên hợp đồng thẩm định giá đã ký kết giữa các bên. Nếu chấp thuận giá trị mà tổ chức định giá đưa ra thì người góp vốn, chủ thể có thẩm quyền trong công ty cũng đồng nghĩa phải chấp nhận những rủi ro khi định giá sai.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]