Nhãn hiệu gồm các ký tự không có nguồn gốc La-tinh (chữ Trung Quốc, chữ Nhật, chữ Thái Lan...) thuộc các ngôn ngữ không thông dụng bị coi là không có khả năng phân biệt. Và, có thể không được đăng ký nhãn hiệu.
Hỏi: Tôi là Việt kiều Thái Lan mới về Việt Nam sinh sống và làm việc được 02 năm. Tôi có mở một công ty chuyên sản xuất nước khoáng thiên nhiên. Bây giờ, tôi muốn đăng ký nhãn hiệu bằng chữ Thái Lan cho sản phẩm của mình. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi có thể đăng ký nhãn hiệu bằng tiếng Thái không? (Tiêu Châu – Hưng Yên) Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH Everst - trả lời:
Điều 72 Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ như sau:
“Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”.
Ngoài ra, Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;…” (điểm a khoản 2 Điều 74).
Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định vềđánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu dạng chữ viết, chữ số (sau đây gọi là “dấu hiệu chữ”) theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ như sau:”Trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại điểm 39.5 của Thông tư này, các dấu hiệu chữ sau đây bị coi là không có khả năng phân biệt, có trường hợp: Ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được) như ký tự không có nguồn gốc La-tinh: chữ Ả-rập, chữ Slavơ, chữ Phạn, chữ Trung Quốc, chữ Nhật, chữ Triều Tiên, chữ Thái...; trừ khi ký tự thuộc ngôn ngữ trên đi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng phân biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác” (điểm a khoản 39.3 Điều 39).
Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, nếu anh (chị) chỉ đăng ký nhãn hiệu bằng chữ Thái Lan thông thường thì sẽ không được bảo hộ. Bởi vì, tiếng Thái Lan là ngôn ngữ không thông dụng (không có nguồn gốc La-tinh) nên không có khả năng phân biệt. Tuy nhiên, nếu anh (chị) vẫn muốn đăng ký nhãn hiệu bằng tiếng Thái Lan thì anh (chị) có thể áp dụng một trong hai cách sau:
- Cách 1: Anh (chị) phải chứng minh được các dấu hiệu chữ bằng tiếng Thái Lan trên đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
- Cách 2: Dấuhiệu chữ bằng tiếng Thái Lan phảiđi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận