-->

Đặc điểm của hợp đồng kì hạn

Hợp đồng kì hạn là một dạng của hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, được quy định trong Luật thương mại năm 2005.

Theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá (gọi tắt là Nghị định số 158/2006/NĐ-CP), hợp đồng kì hạn mang một số đặc điểm sau:
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một là, các chủ thể có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng

Chủ thể này bao gồm:

(i) Khách hàng: Là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của sở giao dịch hàng hoá, thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá thông qua việc uỷ thác cho thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hoá (khoản 13 Điều 3 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP). Như vậy, khách hàng là chủ thể hợp đồng mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá và không bắt buộc phải là thương nhân, chỉ là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá. Tuy nhiên, khách hàng không trực tiếp giao dịch tại sở giao dịch hàng hoá mà phải uỷ thác cho thành viên kinh doanh của sở giao dịch để thực hiện hoạt động mua hoặc bán hàng hoá.

(ii) Thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hoá: Chủ thể này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Điều 21 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, có quyền thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá cho chính mình để tìm kiếm lợi nhuận hoặc nhận uỷ thác mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá cho khách hàng để hưởng thù lao.

(iii) Thành viên môi giới của sở giao dịch hàng hoá: Chủ thể này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, thực hiện hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá để nhận thù lao. Thành viên môi giới không được nhận uỷ thác của khách hàng như thành viên kinh doanh để mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá mà chỉ được thực hiện hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá.

(iv) Trung tâm thanh toán và trung tâm giao nhận hàng hoá của sở giao dịch hàng hoá: Trung tâm thanh toán và trung tâm giao nhận hàng hoá có thể do sở giao dịch hàng hoá thành lập hoặc uỷ thác cho tổ chức khác thành lập để thực hiện chức năng thanh toán và chức năng giao nhận hàng hoá khi khách hàng thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá.

Cụ thể, khi khách hàng hoặc chính thành viên kinh doanh muốn thực hiện việc mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá phải kí quỹ khoản tiền bảo chứng để bảo đảm giao dịch và sẽ nộp tại trung tâm thanh toán của sở giao dịch hàng hoá. Khi đã kí quỹ, khách hàng mới được đặt lệnh mua, lệnh bán thông qua thành viên kinh doanh của sở giao dịch. Khi lệnh mua, lệnh bán đã được khớp, trung tâm thanh toán sẽ căn cứ vào giá hàng hoá theo công bố chính thức của sở giao dịch hàng hoá hàng ngày đối chiếu với giá hàng hoá đã mua bán theo hợp đồng của khách hàng để bù trừ theo ngày vào khoản tiền kí quỹ của khách hàng trong thời gian chưa đến thời điểm giao hàng. Khi khoản tiền kí quỹ đã bị giảm xuống đến mức báo động, có nghĩa là mức tiền bảo chứng duy trì, trung tâm thanh toán sẽ thông báo cho khách hàng biết. Nếu khách hàng không bổ sung thêm tiền kí quỹ, trung tâm thanh toán sẽ tự động tất toán hợp đồng mua bán hàng hoá đó cho khách hàng. Còn trung tâm giao nhận hàng hoá của sở giao dịch thực hiện chức năng lưu giữ, bảo quản, giao nhận hàng hoá cho khách hàng và phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hàng hoá theo điều lệ của sở giao dịch hàng hoá. Khi người đặt lệnh mua trên thực tế có nhu cầu nhận hàng theo hợp đồng, họ sẽ nhận hàng tại trung tâm giao nhận của sở giao dịch hàng hoá chứ không nhận trực tiếp từ người bán; và họ sẽ thanh toán khoản tiền mua hàng thông qua trung tâm thanh toán của sở giao dịch hàng hoá chứ không trả trực tiếp cho người bán. Trường hợp người mua không có nhu cầu nhận hàng, trung tâm thanh toán sẽ thanh toán bù trừ khoản tiền chênh lệch còn lại cho người bán hoặc người mua. Cơ chế mua bán hàng hoá giao sau thông qua trung gian là sở giao dịch hàng hoá này đảm bảo một cách chắc chắn quyền lợi của các bên, không bên nào có thể vi phạm hợp đồng khi giá cả hàng hoá đã thay đổi không còn có lợi cho mình.

Hai là, về đối tượng của hợp đồng:

Đối tượng của hợp đồng kì hạn là hàng hoá theo quy định của Luật thương mại năm 2005, được Bộ trưởng Bộ thương mại (nay là Bộ công thương) công bố trong từng thời kì và theo điều lệ của từng sở giao dịch. Tuy nhiên, hàng hoá chỉ trở thành đối tượng của hợp đồng kì hạn hay đối tượng được giao dịch tại sở giao dịch khi thoả mãn các điều kiện sau:

(i) Là hàng hoá được tiêu chuẩn hoá về số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định chuẩn của từng sở giao dịch hàng hoá, nhằm tránh rủi ro về việc giao hàng hoá không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng.

(ii) Là hàng hoá thường được giao kết với một số lượng tương đối lớn. Lượng hàng hoá được giao dịch của mỗi hợp đồng phải không quá lớn để các nhà đầu tư vừa và nhỏ cũng có thể giao dịch nhưng cũng không quá nhỏ để bù đắp được chi phí giao dịch phát sinh khi phải trả thù lao cho trung gian.

(iii) Là hàng hoá có thể chưa hiện hữu vào thời điểm giao kết hợp đồng. Bởi vì, hợp đồng kì hạn là hợp đồng mua bán hàng hoá giao sau thông qua sở giao dịch hàng hoá. Vào thời điểm giao kết, người mua chưa quan tâm đến việc hàng hoá đã hiện hữu hay chưa, chỉ đến khi giao hàng, nếu người mua có nhu cầu nhận hàng thực tế thì người bán phải có hàng để thực hiện hợp đồng. Trường hợp việc giao hàng, nhận hàng thực tế không diễn ra mà các bên chỉ thanh toán cho nhau khoản tiền chênh lệch, thì hàng hoá không phải là mục đích hướng đến của hợp đồng mà chỉ là phương tiện để các bên đầu cơ nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá.

(iv) Là hàng hoá thường có sự biến động mạnh về giá và do thị trường quyết định giá cả. Hàng hoá giao dịch tại sở giao dịch hàng hoá chịu tác động mạnh mẽ của quy luật cung cầu: Khi nguồn cung tăng, giá hàng hoá giảm và ngược lại, khi nguồn cung đã được giải toả, giá lại tăng. Quy luật “được mùa, rớt giá” hàng năm vẫn lặp đi lặp lại gây thiệt hại rất lớn cho người sản xuất và cả các thương nhân. Vì vậy, với việc mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá, cả người bán và người mua đều đã tự bảo hiểm cho quyền lợi của chính mình, hạn chế rủi ro do thị trường mang lại.

Ba là, về thời điểm giao hàng và giá cả:

Thời điểm giao hàng không phải là thời điểm giao kết hợp đồng mà là một thời điểm nào đó trong tương lai. Theo thông lệ chung của các sở giao dịch hàng hoá của các nước, thời gian giao hàng do từng sở giao dịch quy định áp dụng đối với từng mặt hàng cụ thể nhưng thông thường là sau 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm. Còn giá cả của hàng hoá cũng không phải là giá hàng hoá đang giao dịch trên thị trường vào thời điểm giao kết hợp đồng do sở giao dịch hàng hoá công bố mà là giá giao sau, một mức giá mà cả người bán và người mua đều dự liệu rủi ro về giá trong tương lai và là mức giá mà cả hai bên đều chấp nhận được. Đây được coi là điểm đặc trưng nhất của hợp đồng kì hạn so với các hợp đồng mua bán hàng hoá thông thường.

Bốn là, về nội dung hợp đồng:

Nội dung hợp đồng kì hạn phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản đã được tiêu chuẩn hoá tại sở giao dịch hàng hoá. Cụ thể, những điều khoản mẫu như: Đối tượng hợp đồng, số lượng, chất lượng, điều kiện giao hàng, điều kiện thanh toán. đã được sở giao dịch hàng hoá quy định cụ thể.

Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].