Việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân sẽ là một trong những căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Văn Hùng - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về mức hình phạt: Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Theo như quy định trên, thì khi gây thương tích cho người khác với tỉ lệ thương tật dưới 11% nhưng có một trong các tình tiết từ điểm a đến điểm k của điều luật thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì theo như anh (chị) trình bày, người bị hại chưa được xác định tỉ lệ thương tật nên chúng tôi không thể xác định được chính xác mức độ nghiêm trọng trong hành vi mà anh (chị) phạm phải. Tuy nhiên, việc anh (chị) làm cho người đó bị mất hẳn ngón út và mất 1,5 đốt tay ngón áp út thì mặc dù trong trường hợp này tỉ lệ thương tật là dưới 11% nhưng anh (chị) đã để lại cố tật cho nạn nhân, theo như trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều luật trên.
Như vậy, trước hết anh (chị) cần yêu cầu nạn nhân xác định tỉ lệ thương tật là bao nhiêu, nếu dưới 11% thì anh (chị) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn trong trường hợp nạn nhân có tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì anh (chị) có thể sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, với hành vi cố ý gây thương tích của anh (chị) mà tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11% thì anh (chị) sẽ chỉ bị khởi tố khi có đơn yêu cầu của nạn nhân, còn với trường hợp tỉ lệ thương tật của nạn nhân là từ 11% đến dưới 30% thì anh (chị) sẽ bị khởi tố ngay cả khi nạn nhân không có yêu cầu.
Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân sẽ là một trong những căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của anh (chị). Nếu tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11% thì khi có thể thỏa thuận với nạn nhân, anh (chị) sẽ không bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, về mức bồi thường thiệt hại:
Vì anh (chị) trình bày không cụ thể về trường hợp của anh (chị), như nghề nghiệp của nạn nhân trước khi bị thiệt hại, mức lương cụ thể là bao nhiêu? Thời gian điều trị người đó có cần người chăm sóc hay không?.. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể tư vấn cho anh (chị) dựa trên các quy định của pháp luật để anh (chị) có thể tự ước lượng mức bồi thường sao cho hợp lý.
Theo quy định tại mục II.1 của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.
Theo như quy định này thì về việc bồi thường, ngoài chi phí thuốc men ra, anh (chị) còn phải bồi thường cho nạn nhân dựa trên thu nhập thực tế bị mất của họ khi họ bị thiệt hại về sức khỏe như vậy. Khoản này được xác định: trước khi bị thiệt hại, nạn nhân có đi làm không? Mức lương cụ thể của người ấy là bao nhiêu? Nếu họ có mức lương không đều hàng tháng, thì sẽ tính trung bình dựa trên 6 tháng liền kề trước đó. Trường hợp này anh (chị) sẽ phải bồi thường trong cả khoảng thời gian người đó điều trị dựa trên mức lương đã xác định như trên. Hơn nữa, trong thời gian điều trị, nạn nhân cần có người chăm sóc nữa thì anh (chị) còn phải trả chi phí trong thời gian người chăm sóc ấy bị mất thu nhập thực tế của họ (như người đó phải nghỉ việc để chăm sóc cho nạn nhân, chi phí đi lại...) và cả khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần cho nạn nhân,
Như vậy, trường hợp này anh (chị) cần phải thỏa thuận lại với gia đình nạn nhân về mức bồi thường thiệt hại sao cho hợp lý dựa trên các khoản chi phí cần phải bồi thường như trên. Việc này là vô cùng quan trọng, nó sẽ quyết định anh (chị) bị khởi tố hay không, hay anh (chị) sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao nhiêu.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận