-->

Bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh (bí mật thương mại) là một nhân tố cốt lõi, tạo nên sự khác biệt cũng như quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.


Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Bí mật kinh doanh là gì?

Theo giải thích tại Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh là "những thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh".

Theo Luật Cạnh tranh 2004, bí mật kinh doanh là thông tin có đủ các điều kiện sau đây: (i) Không phải là hiểu biết thông thường; (ii) Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó; (iii) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Các đối tượng có thể được coi là bí mật thương mại bao gồm: Quy trình, kỹ thuật và bí quyết kỹ thuật trong sản xuất; bộ sưu tập dữ liệu; kế hoạch kinh doanh; các thuật toán, công thức để sản xuất sản phẩm; thông tin tài chính, chiến lược kinh doanh; thông tin về các hoạt động nghiên cứu và triển khai;...

Về bản chất thực sự, bí mật kinh doanh chính là những thông tin tạo sự khác biệt đối với đối thủ, tạo lợi thế cạnh tranh – yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Phương thức bảo vệ Bí mật kinh doanh?

Lợi thế cạnh tranh chính là yếu tố một doanh nghiệp cần có để xây dựng vị thế, tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp mà đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có hiểu biết nhất định về việc xây dựng bí mật kinh doanh cũng như có những biện pháp bảo hộ bí mật kinh doanh phù hợp.

Việc xây dựng các biên pháp bảo vệ bí mật kinh doanh chưa được quan tâm thực sự bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp mới hoạt động. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cân nhắc các phương thức sau:

  • Trang bị hệ thống an ninh thông tin và chương trình bảo vệ cho toàn doanh nghiệp;
  • Xây dựng hệ thống các quy định của Công ty về việc bảo vệ các bí mật kinh doanh với các định nghĩa và hướng dẫn rõ ràng về cách thức tiếp cận, quản lý, bảo vệ... các thông tin bí mật;
  • Lên danh sách và đặt thứ tự ưu tiên các bí mật kinh doanh dựa trên giá trị và mức độ khó/dễ trong bảo mật thông tin đó;
  • Cân nhắc các hương thức bảo hộ bằng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chính thức;
  • Hạn chế đối tượng được biết, được tiếp cận với thông tin bí mật bất kỳ của doanh nghiệp;
  • Đưa các điều khoản bảo mật vào trong hợp đồng lao động; Nội quy lao động; ...
  • Đưa các điều khoản bảo mật vào hợp đồng với các đối tác kinh doanh;
  • Thiết lập hệ thống an ninh có hiệu quả để quản lý thông tin kỹ thuật số trên mạng nội bộ của doanh nghiệp;

...

Những bài học về bảo vệ bí mật kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn luôn được nhắc đến, tiêu biểu như: Coca-Cola với quy trình bảo vệ công thức pha chế, Window với bí mật về mã nguồn, KFC với bí mật về thành phần hương liệu, …

Điều kiện để bảo hộ bí mật kinh doanh trong pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia lại khác nhau. Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, bí mật kinh doanh là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, để được bảo hộ thì thông tin bí mật kinh doanh của doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sau: (i) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (ii)Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (iii)Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Việc để lộ bí mật kinh doanh đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh (đó có thể là vị thế độc quyền), gây rủi ro lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chính vì vậy doanh nghiệp cần xác định và đánh giá đúng đối tượng cần bảo vệ cũng như lựa chọn, áp dụng các phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh phù hợp.

Luật gia Nguyễn Liên - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].