-->

Bảo hộ tên thương mại - Một số nội dung quan trọng cần lưu ý

Doanh nghiệp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp phép không đồng nghĩa với việc tên doanh nghiệp đó là độc nhất và không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào với bên thứ ba. Vì vậy, doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào “quyền” đối với tên thương mại.

Thực tiễn thi hành pháp luật Sở hữu trí tuệ trong hơn 10 năm qua cho thấy, bảo hộ tên thương mại còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp thì lao đao khi vướng vào tranh chấp, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước thì lúng túng trong vấn đề xác định tên thương mại và việc bảo hộ tên thương mại này như thế nào.

Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thực trạng bảo hộ tên thương mại hiện nay

Tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của các nhà đầu tư và một cách gián tiếp - quyết định sự thành bại của một thương hiệu hay một doanh nghiệp.

Với một nước đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng đóng một vai trò quan trọng trong việc thâm nhập thị trường thế giới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, bảo hộ sở hữu trí tuệ còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nói rộng ra là cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam dường vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng nói trên cho nên việc bảo hộ các thương hiệu của mình, dẫn đến tình trạng vi phạm bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng nghiêm trọng.

Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa thật sự hoàn thiện cộng với việc nhà nước chưa tuyên truyền phổ biến rộng rãi các kiến thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân của vấn nạn trên.

Tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật SHTT), quy định: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Luật SHTT quy định có vẻ đơn giản là vậy, nhưng trong thực tế, để hiểu và xác định được thế nào là một tên thương mại lại không hề đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh họ dùng rất nhiều tên gọi khác nhau, trong khi luật pháp lại thừa nhận rất nhiều “kiểu tên”, chẳng hạn như tên doanh nghiệp, tên riêng, tên giao dịch, tên viết tắt, tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài... Ví dụ: tổ chức có tên là “Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín”, tên viết tắt là Sacombank, và trong giao dịch họ dùng cả tên tiếng Anh là “Sai Gon Thuong Tin joint stock bank”. Đó là chưa kể trong khi thực tiễn nhiều doanh nghiệp còn quy định thêm tên đối ngoại, tên đối nội. Điều đó làm cho việc hiểu và xác định thế nào là “tên thương mại” trong thực tiễn trở lên phức tạp. Vì không xác định được thế nào là một tên thương mại, nên vấn đề bảo hộ tên thương mại vô cùng khó khăn.

Như vậy, có thể thấy việc bảo hộ tên thương mại ở Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này xuất phát từ thực trạng nên kinh tế của Việt Nam còn chưa phát triển cũng như trình độ nhận thức của các doanh nghiệp nước ta về bảo hộ tên thương mại còn hạn chế. Mặt khác, quy định của pháp luật Việt Nam về linhc vực này còn thiết tính thống nhất, đồng bộ dẫn đến sự chồng chéo xung đột lẫn nhau giữa các quy định pháp luật. Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra thì việc giải quyết gặp nhiều vướng mặc gây bức xúc trong nhân dân.

Những bất cập trong bảo hộ tên thương mại

Một là, không thể xác định được một tên thương mại đang được bảo hộ là tên nào. Đó là tên doanh nghiệp được ghi trên giấy phép hay tên dùng trong hoạt động kinh doanh.

Hai là, chúng ta biết rằng nếu tên thương mại đang được sử dụng của người này sẽ có khả năng ngăn cản một nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ của người kia nếu nó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Vậy vấn đề là khi chủ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ vì trùng với tên thương mại của người khác thì câu hỏi đặt ra là “căn cứ nào để xác định tên đó là tên thương mại của tổ chức đó mà từ chối”.

Ba là, Luật SHTT quy định tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không phải thông qua thủ tục đăng ký. Do vậy quyền đối với tên thương mại xem như được mặc nhiên nếu tên thương mại đáp ứng yêu cầu bảo hộ. Khi có quyền này, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phát hiện có nhãn hiệu của người khác xâm phạm tên thương mại của mình họ sẽ phản đối và có thể phát sinh tranh chấp. Lúc này, quay trở lại vấn đề, đâu là tên thương mại, và không giải quyết được câu hỏi đó nên không bảo vệ được quyền lợi của mình.

Bốn là, các khó khăn liên quan đến vấn đề xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại. Do tên thương mại và nhãn hiệu đều là hai dấu hiệu chỉ dẫn thương mại quan trọng của mọi doanh nghiệp, đồng thời được công nhận là đối tượng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng lại dễ nhầm lẫn sản phẩm dịch vụ của người này với người kia dựa vào tên gọi. Nên thực tiễn rất nhiều các tranh chấp phát sinh liên quan đến hai đối tượng này.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Nhưng điểm cần lưu ý khi bảo hộ tên thương mại tại Việt Nam

Trước thực tế pháp luật về Sở hữu trí tuệ còn nhiều điểm chưa đồng bộ như hiện nay, doanh nghiệp cần chú ý một số điểm như sau để bảo hộ tên thương mại của mình, như sau:

Đối với các tổ chức cá nhân dự định thành lập doanh nghiệp: Trước khi đặt tên cho doanh nghiệp mới thì cần tiến hành tham khảo các nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký và công bố tại các cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này là bước đầu tiên nhằm hạn chế xung đột tên thương mại với nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý sau này.

Đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh: Cần xây dựng độ nhận biết của tên thương mại trên thị trường để tạo điều kiện thuận lợi trong trường hợp có tranh chấp. Yếu tố danh tiếng hay sự biết đến rộng rãi của tên thương mại sẽ là một trong các căn cứ để các cơ quan chức năng thừa nhận quyền đối với tên thương mại.Mặt khác, nếu như trong trường hợp bắt buộc phải thay đổi tên doanh nghiệp thì cũng có các phương án về tên viết tắt để giữ lại hình ảnh doanh nghiệp trong lòng các đối tượng khách hàng nhất định.

Đối với các doanh nghiệp đã có nhận diện trên thương trường: Nếu được, có thể bảo hộ tên thương mại dưới dạng nhãn hiệu để tăng phạm vi bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ. Ví dụ tên viết tắt Vinamilk của Công ty CP Sữa Việt Nam được đăng ký nhãn hiệu Vinamilk cho các sản phẩm sữa hay Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên với nhãn hiệu Cà phê Trung Nguyên… Làm được điều này, doanh nghiệp có thêm quyền, không chỉ là tên thương mại, mà còn là quyền đối với nhãn hiệu. Khi đó, cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ dễ dàng hơn.

Đối với các doanh nghiệp mà tên thương mại cũng là tên của nhãn hiệu sản phẩm hay dịch vụ chủ lực: Cần tiến hành xác lập quyền đối với nhãn hiệu cho sản phẩm hay dịch vụ đó để tránh đối thủ cạnh tranh cùng ngành nếu họ có tên thương mại khác nhưng cùng sản phẩm có kênh phân phối tương tự.

Cuối cùng, doanh nghiệp nên ý thức rằng, bảo hộ tên thương mại còn nhiều hạn chế là một thực tế khách quan, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc cơ quan đăng ký kinh doanh cấp phép tên doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc tên đó là độc nhất và không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào đối với bên thứ ba. Do vậy, doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào “quyền” đối với tên thương mại, mà xem nhẹ quyền đối với các đối tượng nhận diện thương hiệu khác. Khi đó, quyền đối với tên thương mại không được đảm bảo thì doanh nghiệp vẫn không "mất" quá nhiều.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].

LưuLưu