-->

Tư vấn về cách phân chia tài sản chung và giải quyết quyền nuôi con khi ly hôn ?

Nguyên tắc phân chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Hỏi: Thưa luật sư! Xin luật sư tư vấn giùm tôi trường hợp như sau: Tôi và vợ tôi sống chung với nhau từ năm 2003, đến năm 2005 có sinh một cháu trai, năm 2009 chúng tôi đăng ký kết hôn, năm 2012 chúng tôi có thêm một cháu trai. Trong suốt 12-13 năm chung sống tôi là lao động duy nhất, mức lương hiện tại của tôi là 20 triệu đồng/ tháng. Vợ tôi chỉ ở nhà làm nội trợ. Tháng 5 năm 2016 tôi phát hiện vợ tôi có người đàn ông khác, và đau đớn hơn, chuyện này đã kéo dài trước khi tôi phát hiện ra, mà theo tôi điều tra thì sự việc này đã kéo dài ít nhất khoảng 6 tháng trước. Tôi đã dùng mọi lời lẽ thuyết phục( kể cả việc đưa 2 con ra làm ví dụ) để vợ tôi quay về nhưng không thành công. Khi ra đi vợ tôi có cầm theo một số tiền khoảng 15 triệu đồng( là tiền do tôi làm ra để sinh hoạt trong tháng cho cả gia đình) và một nhẫn vàng ( tôi mua cho vợ tôi sử dụng) trị giá 5 triệu, 1 nhẫn cưới trị giá 3 triệu( các giấy tờ mua nhẫn tôi còn giữ) Trong những ngày sau, qua điều tra tôi phát hiện ra trang mạng xã hội và hành vi lừa dối của vợ tôi. Và tôi biết rằng đó là nguyên nhân để vợ tôi có thể từ bỏ cả các con mà không quay về gia đình Tôi đã chụp lại toàn bộ các bức ảnh vợ tôi ôm ấp với người khác để làm bằng chứng trong trường vợ tôi không thừa nhận. Vợ tôi cũng tỏ ý muốn tôi ly hôn sớm và để cô ấy có tiền sinh sống, lấy chồng khác. Trước đó năm 2014 tôi có mua được 1 xe ô tô trị giá 450 triệu. Số tiền mua xe tôi có được do tôi được 1 khoản bồi thường do xử lý sai quy định của công ty cũ, và do mẹ tôi cho tôi phần còn lại. Khi đòi chia tiền, vợ tôi cũng muốn chia tài sản là chiếc oto này. Về nhà cửa thì chúng tôi ở trên nhà do bố mẹ tôi cho, hiện vẫn đứng tên bố mẹ tôi trên giấy tờ nhà đất. Tôi xin được Luật sư tư vấn: 1) Các con tôi ( 1 cháu 11 tuổi, 1 cháu 4 tuổi) sẽ được ở với ai nếu phải ra tòa án ly hôn? 2) Nếu tôi muốn nuôi cả 2 cháu tôi cần làm gì( vì mẹ cháu đã bỏ đi, và trong quá trình đó vợ tôi chỉ nghĩ đến tiền mà không nghĩ gì đến các cháu) 3) Tôi có thể dùng các bức ảnh chụp lại trên mạng xã hội về hành vi gian dối của vợ tôi như một công cụ để giữ tài sản và con nếu phải ra tòa án ly hôn không? 4) Tôi có phải chia tài sản gì cho vợ tôi hay không? 5) Chiếc ô tô có được coi là tài sản chung của vợ chồng tôi không? Nếu muốn được coi là tài sản riêng của tôi, thì việc mẹ tôi cho tôi tiền mua xe phải cần văn bản chứng thực không hay chỉ cần mẹ tôi đứng ra xác nhận miệng là đủ Phần tiền mua ô tô mà tôi được công ty cũ bồi thường có được coi là tài sản riêng của tôi không?6) Tôi sẽ phải chia những tài sản gì cho vợ tôi? (Trà My - Hải Dương)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì hai vợ chồng bạn đều muốn ly hôn nên có thể nói hai bạn thuận tình ly hôn. Theo quy định tại luật hôn nhân và gia đình có quy định như sau:

Điều 55. Thuận tình ly hôn

"Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn".

Vì vây, hai bạn có thể tự thỏa thuận với nhau việc chia tài sản của vợ chồng và việc ai là người nhận nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết.

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

"2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này".

Dựa trên quy đinh trên thì tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được chia đôi nhưng dựa trên một số yếu tố khác, cho nên bạn hoàn toàn có thể dùng những bức ảnh hụp lại trên mạng xã hội về hành vi gian dối của vợ bạn như một công cụ để tòa có chia tài sản có lợi hơn cho bạn.

Về tài sản là căn nhà do bố mẹ bạn đứng tên thì sẽ không phải tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, còn về chiếc ô tô bạn mua năm 2014 do bạn được công ty cũ bồi thường và do mẹ bạn cho để mua nhưng năm 2009 bạn đã kết hôn với vợ bạn cho nên tài sản này vẫn tính là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên bạn lưu ý là số tiền được công ty cũ bồi thường là vào năm nào, nếu trước năm 2009 thì tài sản đó sẽ là tài sản riêng. Còn số tiền mẹ bạn cho bạn, nếu bạn chứng minh được và vợ bạn cũng đồng ý công nhận thì khi chia tài sản mẹ bạn sẽ nhận lại được phần giá trị tương ứng với số tiền đó. Về nhẫn vàng và nhẫn cưới nếu bạn mua và cho vợ bạn sử dụng thì đó là tài sản riêng của vợ bạn.

Về vấn đề ai là người nuôi con, theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình thì:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Vì vậy, căn cứ vào quyền lợi của con mà tòa sẽ quyết dịnh ai là người nuôi con, với trường hợp cháu bé 11 tuổi thì tòa sẽ hỏi ý kiến để xem xét nguyện vọng xem cháu muốn ở với ai thì lúc này Tòa án sẽ giải quyết dựa trên nguyện vọng của cháu. Còn đối với cháu 04 tuổi, thì Tòa án sẽ giải quyết quyền nuôi con cho bên nào đảm bảo tốt hơn cho con về mọi mặt: tinh thần, vật chất, môi trường sống, khả năng giáo dục, thời gian giành cho con, tính chất công việc.... Tuy nhiên, thông thường, nếu có 2 con tòa sẽ chia cho mỗi người nuôi một cháu. Nếu bạn muốn nuôi cả hai cháu thì phải cứng minh vợ bạn không có khả năng nuôi con và vợ bạn không cóc ý định nhận nuôi các cháu.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.