-->

Nhà nước chủ nô

Nhà nước chủ nô là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp chủ nô. Nó ra đời trên cơ sở tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng.

Các Nhà nước chủ nô đều thiết lập, củng cố cho mình một bộ máy nhà nước mang nặng tính quân sự và tập trung quan liêu. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ máy nhà nước chủ nô là trấn áp nô lệ trong nước, xâm lược các nước khác, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích cho giai cấp chủ nô, cưỡng bức nô lệ làm giàu cho giai cấp chủ nô.
Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

1. Cơ sở kinh tế - xã hội và bản chất của nhà nước chủ nô

Nhà nước chủ nô là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp chủ nô. Nó ra đời trên cơ sở tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Các Nhà nước chủ nô đầu tiên xuất hiện ở Châu Á và Bắc Phi như Trung Quốc, Ấn Độ, Babilon, Ai Cập... khoảng từ 4000 đến 5000 năm trước công nguyên.

Nhà nước chủ nô ra đời, tồn tại và phát triển dựa trên các quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ. Những quan hệ sản xuất này được xây dựng trên cơ sở chế độ chiếm hữu của chủ nô đối với toàn bộ tư liệu sản xuất và cả người sản xuất là nô lệ. Chủ nô là chủ sở hữu đối với đất đai, các tư liệu sản xuất và đối với cả người sản xuất là nô lệ. Do vậy, sự bóc lột của chủ nô đối với nô lệ là không có giới hạn. Nô lệ không có tư liệu sản xuất, họ phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nô, họ bị coi là tài sản của chủ nô, là "công cụ biết nói", là động vật có hai chân. Vì thế, nô lệ bị bóc lột rất tàn nhẫn và phải phục tùng một cách vô điều kiện những ý muốn của chủ nô.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ tồn tại hai giai cấp cơ bản là chủ nô và nô lệ. Chủ nô chỉ là một thiểu số dân cư trong xã hội nhưng có tất cả: Đất đai, tư liệu sản xuất, nô lệ, tự do cá nhân và toàn quyền thống từ đối với nô lệ. Nô lệ chiếm số đông trong xã hội nhưng tính mạng, số phận cũng như các hoạt động xã hội của họ đều do chủ nô quyết định. Ngoài chủ nô và nô lệ, trong xã hội chiếm hữu nô lệ còn có cả thợ thủ công, dân tự do, những người lệ thuộc nhà thờ hoặc kinh tế nhà vua... Những người này tuy không phải là nô lệ nhưng vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giai cấp chủ nô về kinh tế và chính trị. Với kết cấu xã hội như trên đã làm cho nhà nước chủ nô gần như hoàn toàn nằm trong tay giai cấp chủ nô, chủ yếu phục vụ cho lợi ích của giai cấp chủ nô.

Chính những điều kiện kinh tế - xã hội nói trên đã quyết định bản chất của nhà nước chủ nô. Xét về mặt giai cấp thì nhà nước chủ nô là công cụ chủ yếu thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp chủ nô, một bộ máy trấn áp của giai cấp chủ nô để duy trì sự thống trị về mọi mặt của chủ nô đối với nô lệ và những người lao động khác. Nhận xét về tính giai cấp của nhà nước chủ nô, V.I. Lênin nhấn mạnh: "Nhà nước chủ nô bao giờ cũng là một bộ máy đem lại cho chủ nô quyền lực và khả năng cai trị tất cả những người nô lệ... là một bộ máy để duy trì những người nô lệ trong địa vị phụ thuộc và cho phép một bộ phận này của xã hội (giai cấp chủ nô) cưỡng bức và đàn áp bộ phận kia (giai cấp nô lệ)".

Xét về mặt xã hội thì nhà nước chủ nô là một tổ chức sinh ra để tổ chức, quản lý xã hội chiếm hữu nô lệ thay thế cho tổ chức thị tộc, bộ lạc không còn phù hợp nữa. Là một trong những hình thức tổ chức của xã hội chiếm hữu nô lệ, nhà nước chủ nô có trách nhiệm tổ chức và quản lý một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội vì sự tồn tại và phát triển của cả xã hội. Nhiều nhà nước chủ nô đã tiến hành các hoạt động tổ chức và quản lý kinh tế ở quy mô lớn, quản lý đất đai, tổ chức khai hoang, xây đựng và quản lý các công trình thủy lợi... làm cho đất nước ngày một phát triển, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Xét ở một khía cạnh khác thì sự ra đời của Nhà nước chủ nô cũng là một bước tiến về phía trước của nhân loại. Nó đã tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phát triển đưa lại những lợi ích to lớn cho nhân loại. Bởi vì "... chỉ có chế độ nô lệ mới làm cho sự phân công lao động có thể thực hiện được trên một quy mô rộng lớn hơn giữa nông nghiệp và công nghiệp và do đó mới có thể có thời kỳ hưng thịnh nhất của thế giới cổ đại … Mà không có cái cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và đê chế La Mã thì không có Châu Âu hiện đại. Chúng ta không bao giờ được quên rằng tiền đề của toàn bộ sự phát triển kinh tế, chính trị và trí tuệ của chúng ta là một trạng thái trong đó chế độ nô lệ cũng hoàn toàn cần thiết giống như nó được tất cả mọi người thừa nhận".

Chế độ nô lệ cũng là một bước tiến ngay cả đối với những người nô lệ ở khía cạnh là những tù binh, vì tồn tại chế độ nô lệ nên tù binh bị bắt trong các cuộc chiến tranh " ... giờ đây ít nhất cũng giữ được sinh mạng của họ chứ không bị người ta giết chết như trước kia hoặc trước đó nữa, thậm chí còn bị người ta đem thui đi và ăn thịt”.

2. Chức năng của nhà nước chủ nô

Bản chất, vai trò của nhà nước chủ nô luôn được biểu hiện thông qua những chức năng cơ bản của nó. Các chức năng của Nhà nước chủ nô có thể chia làm hai nhóm: Các chức năng đối nội và các chức năng đối ngoại.
  • Các chức năng đối nội:
Chức năng bảo vệ và củng cố chế độ sở hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và đối với người sản xuất (nô lệ), duy trì các hình thức bóc lột của chủ nô đối với nô lệ và những người lao động khác:Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, sở hữu của chủ nô bao gồm tất bộ tư liệu sản xuất và cả người sản xuất (nô lệ). Do vậy, Nhà nước chủ nô bằng rất nhiều những hình thức, biện pháp khác nhau luôn tìm mọi cách để bảo vệ sở hữu cho giai cấp chủ nô. Thông qua pháp luật Nhà nước chủ nô hợp pháp hóa quyền sở hữu của giai cấp chủ nô, hợp pháp hóa quyền lực vô hạn của chủ nô đối với nô lệ. Pháp luật của Nhà nước chủ nô ghi nhận bản thân người nô lệ chỉ là tài sản của chủ nô và nếu nô lệ có con thì những người con này cũng thuộc tài sản của chủ nô. Mọi hành vi xâm hại tới tài sản của chủ nô đều bị chủ nô và Nhà nước chủ nô trừng trị một cách hết sức dã man, tàn bạo.

Chức năng trấn áp nô lệ và các tầng lớp người lao động khác về mọi mặt: Từ những đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội của xã hội chiếm hữu nô lệ đã dẫn tới những mâu thuẫn rất gay gắt giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ. Trong xã hội thường xuyên xẩy ra xung đột giữa chủ nô và nô lệ. Có thể nói, quá trình tồn tại của Nhà nước chủ nô là quá trình diễn ra các cuộc khởi nghĩa liên tiếp của nô lệ và của những người lao động khác đứng lên chống lại Nhà nước chủ nô, chống lại giai cấp chủ nô. Do sự phản kháng, sự đấu tranh thường xuyên của nô lệ nên các chủ nô luôn phải vũ trang và sẵn sàng đàn áp nô lệ trong mọi tình huống và ở bất kỳ đâu. Nhà nước chủ nô đã sử dụng mọi biện pháp có thể mà chủ yếu là các biện pháp quân sự để đàn áp một cách dã man tàn bạo các cuộc khởi nghĩa của nô lệ.
Ví dụ: Cuộc khởi nghĩa của nô lệ dưới sự lãnh đạo của Spartak ở Rôm năm 74 -7 1 tr.CN đã có tới 6000 nô lệ bị treo cổ. Lịch sử nhân loại cho thấy, do bị hạn chế về nhiều mặt và do bị đàn áp rất dã man nên hầu như các cuộc khởi nghĩa của nô lệ đều bị thất bại, bị dìm trong bể máu. Ngoài việc trấn áp bằng bạo lực, nhà nước chủ nô còn thực hiện sự trấn áp về tinh thần đối với nô lệ và những người lao động khác.

Chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước chủ nô: Các Nhà nước chủ nô trong những chừng mực nhất định đều tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, giải quyết những công việc thiết yếu của xã hội. Ở một số Nhà nước chủ nô mà đặc biệt là các Nhà nước chủ nô phương Đông như ấn Độ, Babilon, Ai Cập...do những đặc điểm về địa lý, khí hậu, để sản xuất và sinh sống được, người dân buộc phải xây dựng những công trình thủy lợi với quy mô lớn như đắp đê chống lụt, đào kênh, rạch để tưới tiêu, ngoài ra còn phải tổ chức việc khai phá rừng, chống các loại thú dữ, bảo vệ mùa màng và các vật nuôi trong gia đình ... Tất cả những công việc trên đòi hỏi sự cố gắng của cả cộng đồng mới có thể thực hiện được. Những hoạt động kinh tế - xã hội nói trên lúc đầu do các công xã, bộ lạc đảm nhiệm nhưng khi xuất hiện Nhà nước chủ nô thì Nhà nước buộc phải đảm nhiệm. Chính vì vậy, các Nhà nước chủ nô đã tiến hành nhiều hoạt động kinh tế - xã hội để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội vì sự tồn tại và phát triển của cả xã hội.
  • Các chức năng đối ngoại:
Chức năng tiến hành chiến tranh xâm lược: Các Nhà nước chủ nô đều coi chiến tranh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để làm giàu. Tiến hành chiến tranh, các Nhà nước chủ nô thực hiện việc cướp đất, cướp tài sản của các dân tộc khác, bắt nhiều tù binh về làm nô lệ. Số tù binh bắt được sẽ làm tăng khả năng lao động bóc lột ở trong nước và còn có thể bán ra nước ngoài để thu lợi. Do vậy các Nhà nước chủ nô đều ra sức chuẩn bị lực lượng để tiến hành chiến tranh xâm lược các quốc gia khác, các dân tộc khác mỗi khi có điều kiện. Nhà nước chủ nô có thể bắt cả một đất nước, cả một dân tộc bại trận làm nô lệ và ra sức bóc lột họ. Chiến tranh xâm lược mà các Nhà nước chủ nô tiến hành đã làm cho quan hệ giữa các nước chủ nô luôn trong tình trạng căng thẳng đồng thời nó cũng làm cho mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ ngày càng trở nên gay gắt thêm.

Chức năng phòng thủ đất nước và thực hiện quan hệ ngoại giao, buôn bán với các quốc gia khác: Song song với việc tiến hành chiến tranh xâm lược, các Nhà nước chủ nô phải thực hiện phòng thủ đất nước chống lại các cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Biện pháp phổ biến là xây dựng và củng cố quân đội với số lượng đông, xây thành, đắp lũy và các pháo đài vững chắc. Ngoài ra, tùy theo tình hình cụ thể mà các Nhà nước chủ nô thực hiện quan hệ ngoại giao, buôn bán với các quốc gia.


Thạc sỹ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


3. Hình thức của nhà nước chủ nô

Hình thức của nhà nước chủ nô rất đa dạng. Do sự hình thành và phát triển của các nhà nước chủ nô trong những hoàn cảnh, điều kiện hết sức khác nhau nên việc tổ chức và thực hiện quyền lực ở mỗi nước có rất nhiều khác biệt, ở mỗi thời kỳ phát triển của đất nước cũng có nhiều thay đổi phụ thuộc vào sự phát triển của chế độ nô lệ.
  • Về hình thức chính thể:
Hình thức chính thể của Nhà nước chủ nô có cả chính thể quân chủ và cũng có cả chính thể cộng hòa với những nền dân chủ khá phát triển.
  • Về hình thức cấu trúc nhà nước:
Hình thức cấu trúc nhà nước phổ biến là cấu trúc đơn nhất. Giai đoạn đầu xuất hiện ở nhiều Nhà nước chủ nô còn chưa có sự phân chia dân cư thành các đơn vị hành chính lãnh thổ để quản lý.
  • Về chế độ chính trị:
Chế độ chính trị của các Nhà nước chủ nô, các biện pháp để thực hiện quyến lực nhà nước phổ biến là bằng bạo lực, phản dân chủ. Tuy nhiên, ở nhiều Nhà nước chủ nô có chính thể cộng hoà thì các biện pháp dân chủ lại được áp dụng tương đối rộng rãi trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Tuy hình thức của nhà nước chủ nô rất khác nhau nhưng "nhà nước hướng thời đại chế độ nô lệ dù là quân chủ hay cộng hòa quý tộc, cộng hoà dân chủ đều là nhà nước chủ nô... Điều căn bản là người nô lệ ở các nước ấy đều không được coi là người”.
  • Hình thức nhà nước chủ nô thuộc chế độ nô lệ phương Đông cổ đại:
Ở các nước phương Đông cổ đại do tồn tại chế độ nô lệ gia trưởng với việc duy trì nhiều tàn dư của chế độ công xã thị tộc nên hình thức chính thể phổ biến của các nước này là chính thể quân chủ độc tài với nền quản lý tập trung quan liêu. Đứng đầu Nhà nước là vua - đấng thiêng liêng bất khả xâm phạm với quyền lực không bị hạn chế dưới bất cứ hình thức nào và được truyền từ đời này qua đời khác theo nguyên tắc cha truyền con nối. Hoạt động quản lý của Nhà nước tập trung ở ba hướng lớn:
(i) Quân sự: Đàn áp nô lệ và xâm chiếm lãnh thổ mới;
(ii) Tài chính: Bóc lột nhân dân trong nước và nhân dân các nước bị xâm lược.
(iii) Một bộ máy quan liêu giải quyết những công việc chung xuất phát từ điều kiện sử dụng đất, nước chung trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt ...

Hình thức nhà nước quân chủ độc tài biểu hiện rõ nét nhất ở các nhà nước chủ nô như Trung Quốc, Babilon, Ai Cập …
  • Hình thức nhà nước chủ nô thuộc chế độ nô lệ cổ điển (chế độ nô lệ Hy-lạp):
Hình thức nhà nước này đa dạng hơn và dân chủ hơn:

Nhà nước Aten: Ở Nhà nước Aten (thế kỷ thứ V - IV tr.CN) đã thiết lập chính thể cộng hoà dân chủ. Quyền lực tối cao của Nhà nước được trao cho Đại hội nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đại hội nhân dân được thành láp từ tất cả các công dân đàn ông từ 20 tuổi trở lên. Đại hội nhân dân thường họp 2 đến 3 lần trong tháng. Đại hội có quyền bầu ra những cơ quan nhà nước khác và những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đại hội nhân dân là cơ quan ban hành pháp luật. Mỗi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình về tất cả các vấn đề mà họ quan tâm, có quyền sáng kiến pháp luật, có quyền yêu cầu Đại hội hủy bỏ các đạo luật nếu nội dung của đạo luật đó làm tổn hại tới các nguyên tắc của nền dân chủ hiện hành. Cơ quan quản lý nhà nước là Hội đồng năm trăm do Đại hội nhân dân bầu ra theo phương thức rút thăm. Người được bầu phải từ 30 tuổi trở lên và phải trải qua kỳ thi sát hạch về chính trị.

Nhà nước Spác: Chính thể cộng hoà quý tộc được thiết lập ở Nhà nước Spác (Thế kỷ VII - IV tr.CN) và ở Nhà nước La Mã (thế kỷ VI - I tr.CN). Sau khi người Spác chinh phục được người Hilốt thì Nhà nước chủ nô Spác được thành lập với chính thể cộng hòa quý tộc. Đứng đầu nhà nước là hai "vua". Để hạn chế quyền lực của các "vua", một Hội đồng gồm 5 người đã Đại hội nhân dân bầu ra hàng năm với nhiệm vụ giám sát hoạt động của các "vua", tuyển bổ quân lính, thu thuế và xét xử các vụ án dân sự.

Về hình thức, Đại hội nhân dân vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất gồm tất cả các công dân từ 30 tuổi trở lên. Đại hội nhân dân bầu cử những người giữ các chức vụ quan trọng của bộ máy nhà nước, thông qua những dự án luật mà Hội đồng trưởng lão đệ trình. Về thực chất thì quyền lực nhà nước nằm trong tay Hội đồng trưởng lão gồm 28 người kể cả hai "vua". Tuổi của các trưởng lão không trẻ hơn 60 và được bầu giữ chức vụ suất đời. Hội đồng trưởng lão xem xét hầu như mọi việc trước khi trình Đại hội nhân dân. Hội đồng trưởng lão có thể cách chức vua, xử án hình sự và các tội phạm quốc gia ...

Chính thể cộng hoà quý tộc ở La Mã có những đặc điểm ở trung ương các cơ quan chính quyền gồm: Nghị viện (viện nguyên lão), Đại hội nhân dân và các quan chấp chính.

Nghị viện (viện nguyên lão) gồm 300 người và chỉ những người giàu có mới được bầu vào nghị viện. Nghị viện là chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Mặc dù không có quyền lập pháp nhưng Nghị viện có quyền soạn thảo tất cả các dự thảo luật và nếu Nghị viện không đồng ý thì Đại hội nhân dân không thể thông qua được luật hoặc bầu ra những quan chấp chính.

Đại hội nhân dân là cơ quan lập pháp gồm ba loại: Loại thứ nhất, được thành lập để giải quyết các vấn đề về chiến tranh, hoà bình, thông qua luật, bầu các thị chính cao cấp; loại thứ hai là những Đại hội được tổ chức theo dấu hiệu lãnh thổ để giải quyết những vấn đề liên quan tới các bộ lạc, các đơn vị hành chính lãnh thổ; loại thứ ba, được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan tới hôn nhân - gia đình, thừa kế và việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo.

+ Cơ quan chấp hành và điều hành những công việc hàng ngày là các quan chấp chính do Đại hội nhân dân bầu ra.

+ Cùng với những thay đổi trong xã hội chiếm hữu nô lệ, các Nhà nước chủ nô có chính thể cộng hoà từng bước chuyển dần sang chính thể quân chủ. Quyền lực nhà nước chủ yếu tập trung vào tay các vua (hoàng đê) và được truyền từ đời này qua đời khác theo nguyên tắc cha truyền con nối để bảo vệ lợi ích cho một số ít những chủ nô giàu có trong xã hội.

4. Bộ máy nhà nước chủ nô

Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, các Nhà nước chủ nô đều thiết lập, củng cố cho mình một bộ máy nhà nước mang nặng tính quân sự và tập trung quan liêu. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ máy nhà nước chủ nô là trấn áp nô tệ trong nước, xâm lược các nước khác, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích cho giai cấp chủ nô, cưỡng bức nô lệ làm giàu cho giai cấp chủ nô.

Bộ máy nhà nước chủ nô giai đoạn đầu rất đơn giản, chỉ gồm rất ít các cơ quan. Các cơ quan này thực hiện tất cả các công việc của Nhà nước như cưỡng bức, đàn áp nô lệ, bảo vệ sở hữu chủ nô, xâm lược ... Do vậy, thời gian đầu, chủ nô vừa là người lãnh đạo quân đội vừa là người đại diện chính quyền thực hiện việc quản lý xã hội, vừa là quan toà và cũng là người sáng tạo pháp luật. Cùng với sự phát triển của xã hội chiếm hữu nô lệ, nhu cầu quản lý xã hội tăng dần đòi hỏi bộ máy nhà nước chủ nô phát triển, phức tạp hơn, hoàn thiện hơn. Nhiều Nhà nước chủ nô đã thiết lập ra những bộ máy nhà nước khá hoàn thiện và phát triển như bộ máy Nhà nước Aten, Nhà nước La Mã... Trong những bộ máy nhà nước này đã có sự chuyên môn hoá tương đối cao: Quân đội thường trực đã được thành lập, thành lập lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội, tách tòa án ra khỏi cơ quan hành chính và tòa án đã có sự phân chia thành các nhóm để giải quyết những công việc khác nhau, thành lập Đại hội nhân dân (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất) để ban hành luật, bầu và miễn nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, thành lập các cơ quan quản lý - chấp hành và hành chính để quản lý các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ...

Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: [email protected].