-->

Tổ chức việc thi thuê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

người tổ chức học thuê, thi thuê còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 159 Bộ luật hình sự năm 2009

Hỏi: Lợi dụng nhu cầu của những học sinh cần thi đỗ Đại học, N.H.H (trú tại Vĩnh Phúc) đã nhận “lo” cho khoảng 30 người thi đỗ vào các trường đại học với giá từ 20-50 triệu đồng.Sau khi nhận được các “hợp đồng” thi thuê với mức giá 20-50 triệu đồng, N.H.H đã bố trí lắp máy điện thoại di động cho thí sinh để họ đọc đề thi ra bên ngoài. Đồng thời, H đã thuê 28 sinh viên trường Đại học Sư phạm II Hà Nội (với giá 3.250.000 đồng/người) ở bên ngoài làm nhiệm vụ giải đề thi và đọc lời giải cho các thí sinh bên trong phòng thi chép. Với phương thức như vậy, riêng trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2009, đường dây này đã tổ trức cho 16 thí sinh dự thi trót lọt, trong đó có 11 người đã trúng tuyển. Hãy định tội và khung hình phạt cho những người có liên quan trong vụ án này? (Huyền Thanh - Hải Phòng)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Trong bài viết bạn có nói đến việc N.H.H đã nhận tiền của các thí sinh thi tuyển vào đại học sau đó lắp đặt điện thoại di động để các thí sinh đọc đề ra ngoài và ở bên ngoài thuê sinh viên giải đề và đọc lời giải vào cho thí sinh bên trong chép. Chúng tôi xin phân tích tình huống này như sau:

Thứ nhất đối với hành vi tổ chức việc thi thuê của N.H.H:

Đối với những người tổ chức, môi giới học thuê, thi thuê, sự vi phạm pháp luật được thể hiện qua việc thực hiện các hoạt động kinh doanh trái phép. Chắc chắn rằng, những người tổ chức việc học thuê, thi thuê không được cơ quan nào cấp phép kinh doanh cả. Căn cứ vào khoản 2 điều 6 nghị định 183/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định."

Ngoài ra người tổ chức học thuê, thi thuê còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 159 Bộ luật hình sự năm 2009:

"1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;

c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

d) Thu lợi bất chính lớn.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

Trong trường hợp trên, N.H.H đã tổ chức việc thi thuê cho 30 thí sinh và nhận mỗi thí sinh số tiền là 20-30 triệu đồng. Như vậy H có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 và có thể bị phạt tù từ ba tháng đến 2 năm vì đã thu lợi bất chính lớn theo điểm d khoản 2 điều 159 Bộ luật hình sự. Ngoài ra kèm theo hình phạt H còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Thứ hai là hành vi nhận trả lời thuê của những sinh viên;

Điều 263 Bộ luật hình sự quy định về tội làm lộ bí mật nhà nước như sau:

"1.Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Căn cứ vào quyết định số32/2005/QĐ-TTg ngày 07/02/2005 về danh mục bí mật nhà nước đối với tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo quy định“Đề thi, đáp áp các kỳ thi tuyển sinh, thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố”.

Như vậy, đề thilà danh mục bí mật Nhà nước nhưng phải thỏa mãn điều kiện chưa được công bố, nghĩa là chưa được mở ra và đang được lưu giữ theo quy định bảo mật đến trước khi công bố cho thí sinh làm bài thi.Tại thời điểm xảy ra vụ việc, đề thi đã được mở ra cho tất cả các thí sinh và những người liên quan trong hội đồng thi thì không còn được coi là bí mật nhà nước.Mặt khác, chủ thể của tội này là phải là người có trách nhiệm biết về bí mật Nhà nước như: Người có thẩm quyền quản lý, người ra đề thi, người trông giữ, vận chuyển đề thi,…

Do đó, hành vi nhận trả lời thuê của các sinh viên không có dấu hiệu Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự

Căn cứ vào điểm a, b khoản 3 điều 13 Nghị định138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì những sinh viên này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt sau: "

"a) Từ 1.000.000 đồngđến 2.000.000đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi.

b)Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;"

Ngoài ra những sinh viên này còn phải chịu các hình thức kỷ luật của cơ sở giáo dục nơi đang học theo quy chế của nhà trường. Các hình thức xử lý kỷ luật có thể là khiển trách, tạm đình chỉ học và nặng nhất là buộc thôi học.

Thứ bađ ối với thí sinh dự thi:

Những thí sinh dự thi đã sử dụng công nghệ cao để chuyển thông tin đề thi ra ngoài.Căn cứ vào quy chế tuyển sinh,thí sinh này sẽ bị đình chỉ thi nếu mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi vào phòng thi. Thí sinh này cũng sẽ bị đình chỉ thi vì đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.