-->

Không được trả sổ bảo hiểm thì thời gian tham gia bảo hiểm có được bảo lưu không?

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng.

Hỏi: Em đã làm ở công ty từ 1/4/2011 đến 15/1/2016. Em nghỉ làm từ 15/1/2016 nhưng đến giờ công ty em vẫn chưa trả sổ bảo hiểm cho em, vì em muốn lấy sổ để lãnh bảo hiểm thất nghiệp. Em có mail hỏi thì công ty có trả lời em như sau: “Nguyên nhân chính của việc em không rút được sổ bảo hiểm là do công ty không có tiền đóng bhxh cho toàn bộ nhân viên từ tháng 9/2015 đến giờ. Cho đến thời điểm này, chị chưa thấy công ty có khả năng thanh toán tiền này nên không thể xác định được với em là bao giờ em sẽ nhận được sổ bảo hiểm. Trường hợp hết 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc mà em không yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian em đóng bh từ 1/4/2011 đến 15/1/2016 vẫn được bảo lưu ". Luật sư thấy họ trả lời như vậy có đúng luật không? Họ đã trả sổ trễ cho em theo quy định luật điều 47, phần 2, vậy nếu em kiện thì được không? (Ngô Thị Nga - Thanh Hóa)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao đông như sau: "1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động...". Như vậy, hoàn thành thủ tục và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là nghĩa vụ của người sử dụng. Việc Công ty lấy lý do Công ty không có tiền đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ nhân viên từ tháng 9/2015 và hiện tại không có khả năng đóng bảo hiểm nên không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ cho người lao động là không có căn cứ. Hành vi này xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thứ hai, về việc xử lý hành vi không chịu trả sổ bảo hiểm cho người lao động của người sử dụng lao động.

Điều 8 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định như sau: "1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây: a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên...". Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật”. Như vậy, người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội là hành vi trái pháp luật. Hành vi đó xâm phạm tới hợp pháp của anh (chị) thì anh (chị) có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đó.

Thứ ba, trong trường hợp anh (chị) không tiếp tục tham gia bảo hiểm thì khoảng thời gian anh (chị) tham gia bảo hiểm xã hội trước đó được bảo lưu và hưởng các chế độ về sau.

Về bảo hiểm xã hội: Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội". Theo quy định Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, nếu có nguyện vọng chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định đối với từng đối tượng tại thời điểm giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi anh (chị) không tham gia bảo hiểm xã hội về sau thì khoảng thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được bảo lưu và hưởng chế độ khi giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội.

Về bảo hiểm thất nghiệp: Điều 45 quy đinh: “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Như vậy, khoảng thời gian anh (chị) tham gia bảo hiểm thất nghiệp của anh (chị) trước đó sẽ được cộng dồn đến khi anh (chị) chấm dứt hợp hợp đồng lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.