-->

Độ tuổi nghỉ hưu và cách làm tròn các năm đóng BHXH

Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì tỷ lệ hưởng lương hưu giảm đi 1%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ thì được tính tròn thêm một tuổi.

Hỏi: Chị tôi sinh ngày 05/08/1971. Đã tham gia bảo hiểm đến T10/2015 là 21 năm 10 tháng. Chị tôi muốn nghỉ hưu sớm theo trường hợp suy giảm khả năng lao đông 61% từ 1/12/2015 thì tuổi của chị tôi có đước tính là 45 tuổi không? (44 tuổi 4 tháng) và thời gian có được tính tròn 22 năm không? Trong trường hợp chị tôi tiếp tục đóng thêm bảo hiểm đến tháng 11/2017 (46 tuổi lẻ 4 tháng) thì tuổi của chị tôi có được tính là đủ 47 theo quy định của luật 2014 hay không? (Mai Cương - Thanh Hóa)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (26/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Minh Anh - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

- Thứ nhất, đối với việc nghỉ hưu theo trường hợp suy giảm khả năng lao động:

Theo khoản 1 Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội 2006:

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1.Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành”.

Như vậy, để được hưởng lương hưu khi nghỉ sớm hơn suy giảm khả năng lao động thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên

+ Hưởng lương hưu thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu

+ Nam từ đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

- Thứ hai: Về cách tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

Theo Khoản 5 Điều 28 Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội: “nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm, từ 6 tháng đến 12 tháng tính tròn 1 năm”.

Theo quy định trên nếu có tháng lẻ từ 6 đến 12 tháng thì được tính tròn là 1 năm tính đến tháng 10/2015, chị của bạn tham gia bảo hiểm là 21 năm 10 tháng, như vậy thời gian đóng bảo hiểm được tính tròn là 22 năm.

-Thứ ba: về cách tính tuổi nghỉ hưu trong trường hợp nghỉ hưu sớm:

Điểm b khoản 3 Mục IV Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30-1-2007 của Bộ LĐ-TB&XH quy định như sau: “Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng đối với người nghỉ hưu trước tuổi được tính như quy định tại điểm a khoản này. Nhưng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì tỷ lệ hưởng lương hưu giảm đi 1%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ thì được tính tròn thêm một tuổi.

Có thể thấy, trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ thì được tính tròn thêm một tuổi. Như vậy, nếu tuổi của chị bạn lúc nghỉ hưu là 44 tuổi 4 tháng (đến 10/2015) thì sẽ được tính là 45 tuổi hoặc nếu chị của bạn tiếp tục đóng thêm bảo hiểm đến tháng 11/2017, khi đó tuổi sẽ là 46 tuổi lẻ 4 tháng thì vẫn sẽ được tính là 47 tuổi theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.